Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ghi nhận từ các diễn đàn này cho thấy, các ý kiến đóng góp toàn diện trên các lĩnh vực, song trọng tâm hơn cả vẫn là những vấn đề xung quanh việc phát triển kinh tế và xây dựng Đảng những vấn đề được xác định là trọng tâm và then chốt của đất nước.
Hơn 50 năm tuổi Đảng, nhiều ngày nay, ông Bùi Công Khanh, cán bộ hưu trí phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) luôn nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình tại Đại hội XII của Đảng để tham gia đóng góp ý kiến. Ông Khanh cho biết: Các Dự thảo văn kiện lần này có tính khái quát cao, logic chặt chẽ, dễ hiểu. Việc công khai rộng rãi các dự thảo văn kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đã huy động được trí tuệ toàn dân và được nhân dân đánh giá cao. Cá nhân ông nhận thấy, trong 30 năm đổi mới, đặc biệt là nhiệm kỳ qua, trước sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những bất ổn trong và ngoài khu vực nhưng với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng của quân và dân ta đã đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực. Những đánh giá đó rất khách quan, qua đó đề ra được những chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
Theo cựu chiến binh Phạm Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình), việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân chứng tỏ Đảng ta rất cầu thị, luôn trân trọng và lắng nghe những ý kiến đóng góp từ thực tế, tại cơ sở để từ đó tiếp thu và hoàn chỉnh hơn nữa các dự thảo văn kiện trước khi trình Đại hội. Vì nhân dân cũng chính là người thực hiện, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, khi nhân dân được trực tiếp đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng, chính là họ nắm bắt được và định hướng những việc làm của mình sau này, theo đó, việc thực hiện các nhiệm vụ và các mục tiêu đề ra trong văn kiện của Đảng sẽ được triển khai thiết thực, hiệu quả hơn.
Tại hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được bộ môn Lý luận chính trị-Trường Đại học Hoa Lư tổ chức, chúng tôi nhận thấy, các giảng viên bộ môn quan tâm, thảo luận khá sôi nổi và có những quan điểm mới về kinh tế thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, so với văn kiện các kỳ Đại hội trước, những chủ trương như coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, vai trò của kinh tế nông nghiệp hay xây dựng thương hiệu công nghiệp quốc gia… là những điểm rất tiến bộ của Dự thảo lần này. Đồng tình với dự thảo khi cho rằng nền kinh tế nước ta là nền kinh tế được vận hành đầy đủ theo các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn các yêu cầu đặt ra để định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là mục tiêu và tạo ra nguồn lực cho nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển. Thạc sỹ Đoàn Sỹ Tuấn - Trưởng bộ môn Lý luận chính trị- Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Tôi nhận thấy dự thảo thể hiện được nhận thức mới, tư duy mới của Đảng ta về cơ chế thị trường. Theo dự thảo, tính định hướng thị trường đã khá rõ, nhưng còn tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường thì cần được thể hiện rõ hơn, đặc biệt cần phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn mới …
Một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân, đó là trong văn kiện trình tại Đại hội, Đảng ta đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lưu Thị Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Vân (Nho Quan) cho rằng, với những định hướng đã đề ra trong dự thảo về phát triển kinh tế, đó là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, đại diện cho nhân dân xã Lạc Vân-vùng đồng chiêm trũng của huyện Nho Quan, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Vân mong muốn, Đại hội lần này cần tập trung hơn nữa và có những giải pháp để phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, cụ thể là có thêm những chính sách giúp nông dân mở rộng sản xuất, ngành nghề dịch vụ, phát triển cây trồng, con nuôi có giá trị hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào công giáo, dân tộc còn nhiều khó khăn.
Với quan điểm: "Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt"- đây là mục tiêu nhất quán của Đảng, được thể hiện rõ trong các văn kiện tại các kỳ Đại hội và thu hút được nhiều ý kiến tham gia góp ý, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho rằng: Trong Dự thảo văn kiện lần này, lần đầu tiên vấn đề đạo đức được đề cập khá rõ nét. Trong đó đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng cần tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, có nhiều khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; thu hẹp đáng kể tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép hoặc chưa có chi bộ ở các thôn, ấp, bản, làng. Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vấn đề được dư luận quan tâm hơn cả là quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ phải được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được dư luận đồng tình, có tác dụng, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch. Tiến hành xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt. Việc thực hiện chính sách cán bộ trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm.
Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, trong Đại hội lần này, Đảng ta cần có nhiều quy chế, quy định, quy trình công tác để thực hiện, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ. Thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…
Có thể nói, sau hơn 1 tháng triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cho thấy, các nội dung trong dự thảo văn kiện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, khẳng định đó là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tính dân chủ ngày càng cao trong Đảng, huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân. Người dân cũng mong muốn, kỳ vọng và tin tưởng rằng, với tinh thần cầu thị, dân chủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiếp thu và hoàn thiện hơn nữa các văn kiện quan trọng trình tại Đại hội XII của Đảng, qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh