Thành phố Ninh Bình là một trong những huyện, thành phố đang diễn ra tình trạng thiếu lớp học và phòng học bộ môn do tình trạng quá tải học sinh. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa những năm gần đây quá nhanh. Cụ thể như trường THCS Ninh Phúc, hiện hơn 400 học sinh nhà trường đang phải học 2 ca và các phòng bộ môn không cố định nên khó khăn trong việc học sinh thực hành thí nghiệm. Đặc biệt, các phòng học ở đây rất nhỏ (nguyên nhân là do được xây dựng từ năm 1989-1990) theo mẫu của trường năng khiếu trước đây thường có rất ít học sinh trong một lớp (thường có khoảng dưới 20 học sinh). Trong khi hiện nay, số học sinh mỗi lớp vào khoảng 35-37 học sinh, bàn ghế lại được đóng theo quy cách mới chỉ 2 học sinh/bàn, do đó diện tích phòng học không thể đảm bảo về khoảng cách từ bàn học sinh đến bảng viết, đến cửa sổ, tường.., rất bất tiện và hại mắt cho các em. Mặc dù năm học trước đó, do trường đã xuống cấp, thành phố Ninh Bình đã đầu tư cả tỷ đồng lợp mái tôn chống nóng, chát chít lại các phòng học bị nứt vỡ tường, quét vôi ve lại các phòng học… nhưng tình trạng thiếu phòng học và sân chơi, bãi tập chưa thể khắc phục ngay được. Bước vào năm học 2016-2017, trước tình trạng khó khăn về lớp học, nhà trường vẫn đang phải khắc phục bằng biện pháp cho học sinh học 2 ca, bố trí các phòng thí nghiệm, bộ môn vào các phòng học, phòng làm việc của các thầy cô giáo dùng chung. Mong muốn của nhà trường là được đầu tư xây dựng một dãy nguyên đơn 12 phòng, không chỉ đảm bảo đủ phòng học, phòng bộ môn, sân chơi bãi tập… nâng cao chất lượng dạy và học, mà còn đảm bảo đủ các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
Đối với huyện miền núi Nho Quan, hiện còn khá nhiều trường, nhất là các trường học 3 cấp (mầm non, tiểu học và THCS) do UBND huyện quản lý thiếu các phòng học, phòng bộ môn, thậm chí cả nhà hiệu bộ. Các trường học này, tùy vào điều kiện ngân sách của từng địa phương thiếu từ một đến nhiều hạng mục công trình: Có trường các phòng học xuống cấp, trường thiếu sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, trường khác thiếu phòng y tế, thư viện, phòng thí nghiệm… Đến trường THCS Văn Phong, huyện Nho Quan vào những ngày sau mưa bão càng nhận thấy sự nghèo nàn, thiếu thốn, không đồng bộ của ngôi trường. Cơn bão số 1 và số 3 đi qua với mưa lớn và gió to đã làm gẫy hàng trăm cây keo được trồng 4-5 năm tuổi, có nhiệm vụ thay thế hệ thống tường bao quanh khu trường khiến ngôi trường càng thêm rộng thênh thang nhưng tiêu điều.
Thầy giáo Trần Tiến Dĩnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THCS Văn Phong còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Không chỉ thiếu các phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ của Ban giám hiệu cũng không có, hiện đang được ngăn giữa các lớp học để các thầy, cô giáo và ban giám hiệu dùng chung. Không chỉ các phòng làm việc thiếu, hệ thống sân chơi, bãi tập và nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh cũng đều chưa có, gây khó khăn không nhỏ trong quá trình dạy và học tại trường. Là xã nghèo, người dân chỉ làm nông nghiệp, việc huy động đóng góp của phụ huynh học sinh và xã hội hóa dường như không đáng kể, nên nhiều năm học gần đây, nhà trường vẫn phải nỗ lực vượt khó để giảng dạy và học tập. Việc phấn đấu xây dựng trường chuẩn Quốc gia là cả vấn đề khó và dường như còn khá xa vời - Thầy giáo Trần Tiến Dĩnh bùi ngùi chia sẻ.
Tại huyện Kim Sơn, đã vài năm học nay, 2 trường mầm non của xã Ân Hòa và Xuân Thiện phải đi học nhờ trong những dãy nhà cũ của xã. Nguyên nhân là do, hai trường được duyệt dự án xây dựng trường mới, với số vốn mỗi trường từ 4-5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi phá dỡ trường cũ đi để xây dựng trường mới, các công trình trường mầm non này chỉ xây được phần thô rồi dừng thi công do không có nguồn vốn. Hiện các ngôi trường này do bị bỏ hoang lâu ngày nên xuất hiện rêu mốc, cỏ dại, gây lãng phí và tiếc nuối cho trẻ em và người dân trong xã. Và do không có chỗ học, các trường đã phải xin học tạm trong các dãy nhà cũ trước đây là trụ sở của xã, vừa chật chội vừa không đảm bảo các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo ông Nguyễn Công Tuyền, Chủ tịch UBND xã Ân Hòa, khi có chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới, năm 2013, trường mầm non xã được phê duyệt xây mới trên diện tích hơn 4 nghìn m2. Tuy nhiên, sau 1 năm, khi ngôi trường mới xây dựng được phần thô tầng 1 thì dừng thi công, do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Trước thực trạng trường học xây dở dang, xã đã nhiều lần có tờ trình kiến nghị với các cấp xin kinh phí xây dựng, nhưng được trả lời là nguồn vốn không có. Từ đó đến nay, các cháu mầm non vẫn phải học nhờ, rất chật chội, thiếu thốn, còn trường mới thì bỏ hoang cho mưa nắng. Khá nhiều người nơi khác đến UBND xã bất ngờ và khó hiều khi trường mầm non lại ở đây? Hiện tại xã đang có kế hoạch và tính đến phương án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để lấy nguồn kinh phí hoàn thiện ngôi trường…
Tìm hiểu được biết, do tốc độ đô thị hóa và số lượng học sinh hàng năm không ngừng tăng, kéo theo nhu cầu về trường lớp tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, chuẩn bị cho các năm học, Sở GD&ĐT và các huyện, thành phố cũng thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch để đầu tư, xây dựng. Năm học 2015-2016, toàn ngành đã đầu tư xây mới 84 phòng học, 30 phòng hiệu bộ, 38 phòng chức năng, 35 nhà vệ sinh và trên 2 nghìn m2 sân, tường rào, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng mới là hơn 80 tỷ đồng, kinh phí cải tạo sửa chữa là hơn 25 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 85,4%; trong đó khối huyện, thành phố đạt 83,6%, khối trực thuộc Sở đạt 98,7%. Cùng với đó, ngành cũng đã đầu tư trên 28 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cấp học. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, việc đầu tư trang thiết bị dạy và học cho các cơ sở giáo dục chưa đầy đủ, số phòng học tạm và ghép còn cao.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, những năm gần đây, nguồn ngân sách để chi cho xây dựng cơ bản bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các trường học. Bên cạnh đó, các chương trình như đầu tư kiên cố hóa trường học, chương trình mục tiêu cho giáo dục ngày càng thu hẹp lại. Thêm vào đó, nguồn vốn cũng cấp không đủ theo kế hoạch dẫn đến chậm tiến độ thực hiện. Tại một số nơi, do việc tham mưu chủ trương đầu tư của các ngành liên quan có lúc còn chung chung, chưa cụ thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, cũng như tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt đối với các cấp học, trường học do UBND các huyện, thành phố quản lý, việc đầu tư cơ sở vật chất càng gặp khó khăn hơn do nguồn kinh phí có mức độ, trong khi số trường học trên địa bàn lại nhiều.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp cùng với các địa phương rà soát các phòng học tạm, phòng học xuống cấp để đưa ra các phương án sửa chữa, khắc phục, đảm bảo an toàn phục vụ cho hoạt động dạy và học trước thời điểm khai giảng năm học mới. Qua rà soát, có 17 phòng học và 5 phòng chức năng khác xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn, được niêm phong không sử dụng để tiến hành xây mới hoặc sửa chữa lớn. Tại một số đơn vị, việc sửa chữa, khắc phục tạm thời đã được tiến hành để tiếp tục sử dụng tạm trong khi chờ xây công trình mới. Các cơ sở giáo dục cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất phù hợp, như bố trí học sinh học tại những phòng chức năng khác hoặc học 2 ca, bố trí làm việc ghép phòng... Toàn tỉnh có 201 phòng học và 181 phòng chức năng khác xuống cấp nhẹ đang được khẩn trương sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ khai giảng năm học mới.
Hạnh Chi