Với sản phẩm "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của Đinh Hoàng Nam, Nguyễn Trần Đạt (Trường THPT Hoa Lư A) đã giành giải đặc biệt tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng năm nay. Xuất phát từ thực tế, việc chăm sóc người bị liệt hoặc mất chức năng vận động tay chân tại nhà luôn đòi hỏi người thân phải mất nhiều thời gian và công sức, nhất là người chăm sóc phải có hiểu biết nhất định về công việc này.
Em Đinh Hoàng Nam cho biết: Qua thực tế hiện nay có rất nhiều loại giường hỗ trợ cho việc chăm sóc người bệnh có giá từ 15 triệu đồng cho đến vài chục triệu thường được sử dụng bằng nút bấm hoặc điều khiển cơ. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ có một số chức năng đơn giản như nâng đỡ bệnh nhân, vệ sinh nhưng vẫn cần có người thân bên cạnh điều khiển. Còn trong bệnh viện thì có một số ít giường bệnh được trang bị hiện đại, giá thành cao và chủ yếu phục vụ cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân thể trạng nặng.
Đối với giường bệnh thông minh này giúp người bệnh ra lệnh bằng giọng nói để giường hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay chân, tập cho trí não, giải trí và có cảm biến thông báo tình trạng về nhịp tim, khí thở cho người nhà theo dõi qua App…
Giải pháp áp dụng công nghệ thông minh nên hệ thống đã thực hiện được một số chức năng thông qua cử chỉ khuôn mặt của bệnh nhân khi bệnh nhân muốn xem video, nghe nhạc đồng thời với giá thành hợp lý đại đa số các gia đình đều có thể trang bị được cho người thân của mình sử dụng.
Như vậy, giường bệnh đã tích hợp được các bài tập phục hồi các khớp của tay, một số khớp của chân tránh được tình trạng co cứng các khớp này trong giai đoạn ban đầu của phục hồi. Gửi thông tin về nhịp tim, nồng độ oxy trong máu lên điện thoại thông minh của người chăm sóc hay người nhà và có cảnh báo bằng màu sắc khi ở mức báo động, có chức năng giải trí bằng âm nhạc, đọc truyện giúp thư giãn và giải tỏa tâm lý cho người bệnh.
Giường bệnh đã tích hợp các tính năng thông minh nhận diện giọng nói và cử chỉ khuôn mặt để ra lệnh phù hợp với công nghệ hiện nay. Giường bệnh hoạt động ổn định, giá thành rẻ với tổng chi phí nghiên cứu, chế tạo khoảng 25 triệu đồng.
Còn đối với em Phạm Thị Kiều Oanh (Trường THCS Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) mang đến mô hình "Não A.I cho máy trợ thở áp lực dương". Mô hình được Hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc COVID-19 khi cấp cứu, theo dõi được chỉ số của người bệnh, giúp cho các cơ sở y tế về vấn đề thiếu máy thở và có thể tự sản xuất với chi phí, giá thành thấp. Mô hình đã đạt giải nhì tại cuộc thi và giải mô hình đẹp nhất.
Em Phạm Thị Kiều Oanh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế rất khó khăn, thiếu thốn về máy thở. Giá thành máy trợ thở được nhập khẩu về lại rất đắt. Vậy làm thế nào để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân khi cấp cứu, theo dõi được các chỉ số sức khỏe của người bệnh?
Xuất phát từ ý tưởng đó, Kiều Oanh đã sáng chế ra máy trợ thở giá thành thấp, đồng thời có khả năng theo dõi các chỉ số khác nhau về tình trạng của bệnh nhân, góp phần cùng ngành Y tế đẩy lùi dịch bệnh trong các tình huống khẩn cấp.
Sản phẩm đã được chạy thử nghiệm tại gia đình, Trường THCS và Trạm y tế xã Khánh Hòa. Kết quả cho thấy: Máy chạy ổn định, hỗ trợ được người bệnh dễ thở hơn, đồng thời đo được các chỉ số về nhịp tim và nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân. Sản phẩm có khả năng ứng dụng cao trong đời sống.
Là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tại cuộc thi năm nay, em Đỗ Hoàng Phong và em Lê Khôi Nguyên, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Khánh Hòa (Yên Khánh) mang đến cuộc thi sản phẩm "Mô hình quạt năng lượng mặt trời".
Xuất phát từ thực tiễn vào những ngày hè nắng nóng oi bức ngồi trước quạt điện mà hơi nóng vẫn hầm hập, nhất là những ngày bị mất điện càng khó chịu. Qua xem ti vi, các clip sáng tạo, hai em mong muốn chế tạo được chiếc quạt chạy bằng năng lượng mặt trời nên đã tìm hiểu học hỏi từ thầy cô và các anh chị lớp trên để mày mò, sáng tạo ra chiếc quạt năng lượng mặt trời làm mát trong mùa hè oi bức.
Đây là sản phẩm có thể áp dụng tại hộ gia đình, đặc biệt là đối với vùng nông thôn thường hay bị cắt điện vào mùa hè do quá tải, sản phẩm này giúp các gia đình vẫn có quạt để dùng khi mất điện.
Đây là ba trong số 64 mô hình/sản phẩm được trao giải tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng lần thứ XII. Cuộc thi năm nay đã nhận được 3.206 mô hình. Đến cuối tháng 5/2021, Ban tổ chức đã tiếp nhận 196 mô hình/sản phẩm từ Ban tổ chức cuộc thi các huyện, thành phố, tăng 39 mô hình/sản phẩm so với cuộc thi lần thứ XI.
Trong số gần 200 sản phẩm tham gia cuộc thi năm nay, đề tài phòng, chống COVID-19 đã được nhiều học sinh lựa chọn để xây dựng các mô hình, sản phẩm mang đến dự thi. Đặc biệt, nhiều sản phẩm, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ sự sáng tạo của học sinh được đánh giá cao như: Sản phẩm "Não A.I cho máy trợ thở áp dụng dương"; "Máy trợ thở thông minh"; "Máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động"; "Máy pha chế nước sát khuẩn tự động"…
Theo ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật: Cuộc thi được tổ chức hàng năm nên đã tạo thành phong trào, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và được các thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia rất sôi nổi, hiệu quả. Mặc dù cuộc thi năm nay có ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lại có số lượng mô hình, sản phẩm tham gia nhiều hơn chứng tỏ cuộc thi đã có sức hút rất lớn tới các em, trở thành sân chơi trí tuệ, bổ ích để ở đó các em được thỏa sức thể hiện đam mê sáng tạo khoa học.
Đặc biệt, với việc có nhiều sản phẩm thuộc đề tài phòng, chống dịch COVID-19 còn cho thấy các em học sinh rất quan tâm và có ý thức, trách nhiệm cùng chia sẻ, chung tay trong công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học bám sát thực tiễn cuộc sống.
Bài, ảnh: Hồng Nhung