Vụ mùa 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Việt, thôn Đức Hậu, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn gieo cấy 7 sào lúa, hiện lúa đang bắt đầu vào trỗ, tuy nhiên ruộng lúa đã bị chuột phá sạch các bông cái. Bà Việt lo lắng nói: Năm nay thời tiết thuận lợi, nhưng chuột hại thì khủng khiếp.
Từ đầu vụ đến giờ, mặc dù gia đình đã dùng rất nhiều biện pháp để đối phó với lũ chuột, nào quây nilon, bỏ thuốc, rồi đặt bẫy; bà con trong khu còn bảo nhau đi nhổ cỏ dọn dẹp sạch sẽ các bờ gò, nơi chuột hay ẩn náu; rồi tiến hành đào bắt, hàng trăm con chuột đã bị tiêu diệt nhưng không hiểu chuột ở đâu vẫn cứ xuất hiện, cắn phá lúa dữ dội. Chân ruộng này, năng suất năm nào cũng đạt khoảng 1,8-2 tạ/sào nhưng nếu cứ đà này thì vụ lúa năm nay không biết có nổi 15 kg/sào không?
Cùng ông Nguyễn Văn Hãnh, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Long, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn đi một vòng quanh các cách đồng của HTX, hầu như chỗ nào chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những mảng ruộng vàng cháy, lam nham do chuột cắn.
Ông Hãnh cho biết: Toàn bộ 187 ha lúa của HTX nằm trong vùng chiêm trũng, xung quanh lại có nhiều ao nuôi trồng thủy sản nên rất khó khăn cho công tác diệt chuột. Từ đầu vụ đến nay HTX đã sử dụng tới 3 tấn mồi để diệt chuột nhưng không phát huy được hiệu quả.
Đồng chí Bùi An Khang, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn cho rằng, vụ mùa năm nay chuột xuất hiện nhiều là do vụ đông năm ngoái hầu như không có rét nên chuột sinh sản thuận lợi và tồn dư sang đến vụ này. Hơn nữa, vừa qua xảy ra một số đợt mưa lớn, chuột được nuôi dưỡng bằng lúa dài ngoài đê chạy lũ tràn vào đồng. Mặt khác, cũng do mưa nhiều nên các loại mồi đánh gặp mưa, thuốc bị rửa trôi nên không đạt hiệu quả.
Không chỉ tại Gia Viễn mà ở cả huyện Nho Quan, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương cũng đang rối bời bởi đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ và đánh bắt nhưng việc diệt chuột vẫn chưa mang lại hiệu quả. Tại xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, vụ mùa này nông dân bỏ gần 60 ha ruộng không cấy vì chán nản với nạn chuột phá mấy năm nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đinh Việt Hoằng, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã báo cáo lên Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện và UBND huyện, huyện đã cử cán bộ kỹ thuật về xây dựng mô hình điểm về kỹ thuật canh tác, cũng như các biện pháp diệt chuột trên 60 ha này.
Đồng thời xã cũng chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nơi cư trú của chuột bằng cách phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven mương, bờ ruộng, tìm và phá các ổ chuột ở bờ ruộng, dọn sạch rơm rạ, không để hoang hóa đồng ruộng. Săn bắt chuột bằng biện pháp thủ công như: Đào hang, đổ nước bắt chuột, xông khói, kết hợp với sử dụng các loại bẫy, bả.
Riêng HTX Hữu Thường đã đứng ra thu mua đuôi chuột lên tới 5 nghìn đồng/đuôi để khuyến khích người dân đánh chuột. Cá biệt đã có hộ dân đánh được tới 6 tạ chuột nhưng không hiểu sao chuột vẫn cứ hoành hành. Năm ngoái, diện tích lúa bị chuột hại trên địa bàn xã vào khoảng 30% nhưng năm nay dự kiến tới 70%.
Được biết, thời điểm này Nho Quan đã ghi nhận trên 165 ha lúa bị chuột hại, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 20-25% là 30 ha, 10% là 55 ha, còn lại là thiệt hại nhẹ. Ngoài Thượng Hòa thì các xã Phú Sơn, Gia Tường, Sơn Hà, Văn Phú là những đơn vị của huyện Nho Quan bị chuột hại nặng.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & PTNT thì hiện nay nạn chuột phá lúa đang diễn ra ở khắp các diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh với mật độ dày hơn rất nhiều so với vụ mùa năm ngoái. Chuột hại mạnh sau các đợt mưa trong tháng 7, tỷ lệ hại nơi cao 3-5%, cá biệt trên 20% số dảnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh…
Đến nay, diện tích nhiễm chuột là 310,8 ha, cao hơn gấp 5,4 lần so với cùng kỳ vụ mùa 2016. Để hạn chế chuột cắn lúa trong vụ này và cả những vụ tiếp theo, thiết nghĩ ngành chuyên môn và các địa phương cần lên kế hoạch và phương án đối phó với dịch hại này một cách cụ thể. Đặc biệt, phải huy động được cả cộng đồng cùng vào cuộc diệt chuột, trước khi chúng gây hại nặng nề hơn.
Hà Phương