Kết quả rõ nhất mà Nghị quyết mang lại cho các địa phương thuộc 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh thời gian qua trong công tác giảm nghèo chính là cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, con giống, cây trồng… Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhiều cách làm hay, sáng tạo cần nhân ra diện rộng.
Nhiều mô hình hiệu quả
Xã Gia Minh là 1 trong 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Gia Viễn và thuộc danh sách 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Gia Minh thuộc khu vực vùng trũng của huyện Gia Viễn nên hàng năm thường phải chịu ảnh hưởng nặng từ các trận lũ lụt. Năm 2007, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 10, tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Minh lên tới 27,02%. Không "đơn độc" trong công cuộc giảm nghèo, Gia Minh nhận được sự quan tâm sát sao của tỉnh, huyện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, hỗ trợ cây trồng, con giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Đặc biệt, cùng với các xã nghèo trong tỉnh, thực hiện sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội phụ nữ tỉnh là đoàn thể được giao giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân Gia Minh trong việc triển khai Nghị quyết 10. Cùng với Gia Minh, 2 xã Gia Lạc và Gia Phong là 3 đơn vị mà Hội Phụ nữ tỉnh có nhiệm vụ giúp đỡ. Hội phụ nữ tỉnh đã phân công và cử cán bộ về cơ sở để bàn bạc, thống nhất cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 10. Bàn đi, tính lại và qua khảo sát nhu cầu của người dân, Hội phụ nữ tỉnh đã giúp Gia Minh triển khai mô hình chăn nuôi: gà thả vườn, lợn nái, lợn thịt, dê… và tổ chức dạy nghề chẻ tăm hương, trồng nấm. Hội phụ nữ tỉnh đã liên hệ với một doanh nghiệp ở Hà Tây (cũ) để đưa nghề chẻ tăm hương về dạy cho hội viên phụ nữ. Qua các lớp dạy nghề, nhiều phụ nữ trong xã đã nắm bắt được kỹ thuật làm nghề, nhận nguyên liệu về làm và truyền đạt nghề cho con cái trong gia đình, hàng xóm lân cận… Tuy thu nhập bước đầu mới chỉ đạt khoảng 10.000 - 15.000 đồng/người/ngày nhưng nghề chẻ tăm hương với kỹ thuật đơn giản, lại phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng nên gia đình nào cũng có 4-5 lao động làm nghề.
Đến nay nghề chẻ tăm hương đã phát triển rộng khắp các xóm trong xã, thu hút hơn 200 lao động tham gia. Đến thăm gia đình chị Bùi Thị Vân (Chi hội phó Chi hội phụ nữ xóm Thượng) gặp đúng lúc gia đình chị đang tập trung làm nghề, vui vẻ mời chúng tôi vào nhà, chị Vân cho biết: Khi có lớp dạy nghề của Hội phụ nữ là tôi tham gia học ngay. Về nhà tôi dạy cho con gái, ông xã… nên giờ cả nhà cùng làm được nghề. Lúc nông nhàn mà có đầy đủ nguyên liệu thì 4 lao động trong gia đình đều tham gia làm, thu nhập cũng khá…
Cùng với nghề chẻ tăm hương, các mô hình cá + lúa với 21 hộ tham gia, nuôi lợn nái với 65 hộ tham gia, nuôi bò sinh sản với 5 hộ tham gia, gà thả vườn với 39 hộ tham gia… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống hộ nghèo và góp phần quan trọng vào kết quả công tác giảm nghèo của xã: Năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,76%, vượt kế hoạch đề ra là 250%.
Trao đổi với đồng chí Vũ Thị Tần, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh, được biết: Qua gần 2 năm thực hiện việc giúp đỡ 3 xã vùng trũng của huyện Gia Viễn trong công tác giảm nghèo, Hội phụ nữ cũng như chính quyền địa phương nhận thấy nghề chẻ tăm hương phù hợp, hiệu quả đối với người dân nhất trong những nghề đã đưa về địa phương.
Trong thực hiện Nghị quyết 10, không chỉ riêng Gia Minh mà ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với người dân các địa phương như: mô hình trồng nấm ở Yên Khánh, mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn… Đó thực sự là những mô hình khẳng định hiệu quả mà Nghị quyết 10 đem lại.
Những cách làm hay
Nghị quyết 10/NQ-TU của Tỉnh ủy đã huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, đơn vị cùng tham gia công tác giảm nghèo và có nhiều hoạt động giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương thuộc diện xã nghèo cũng có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10. Sự phân công nhiệm vụ cho các chi bộ, từng đoàn thể, cá nhân, đảng viên… được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo hộ nghèo, người nghèo luôn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ kinh nghiệm, kiến thức làm ăn đến việc hỗ trợ vốn, giúp đỡ ngày công, con giống. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo và ở nhiều Đảng bộ xã đã xuất hiện những cách làm hay.
Xã Ninh Hòa cũng "nằm" trong "tốp" 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, là xã miền núi của huyện Hoa Lư, lại có tới 48% dân số là người có đạo nên đời sống nhân dân trong xã gặp nhiều khó khăn với 21,6% hộ nghèo. Đảng ủy xã đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết 10 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi chi bộ, đoàn thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên và hộ nghèo trong thực hiện công tác giảm nghèo. Đảng ủy xã đã phân công nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phụ trách theo địa bàn dân cư: ủy ban MTTQ xã phụ trách giảm nghèo thôn Ngô Thượng, Thanh Thượng; Hội phụ nữ xã phụ trách giảm nghèo ở thôn Ngô Hạ, Thanh Hạ; Hội Cựu chiến binh xã phụ trách thôn Quán Vinh; Hội Nông dân phụ trách thôn Đại Áng, Áng Sơn; Đoàn thanh niên phụ trách thôn áng Ngũ.
Đối với việc giúp đỡ hộ nghèo, Đảng ủy xã đã triển khai phân công theo phương thức "1+2", nghĩa là cứ 1 hộ nghèo thì có 1 đảng viên và 1 hội viên của đoàn thể phụ trách thôn tham gia giúp đỡ. Phương thức giảm nghèo này gần 2 năm qua luôn được triển khai và theo sát hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo trên các phương diện: kinh nghiệm làm ăn, định hướng phát triển kinh tế, giúp đỡ ngày công, con giống… Thông qua phương thức "1+2", Đảng ủy, chính quyền xã đã nắm bắt được cụ thể nguyên nhân nghèo của từng hộ, hoàn cảnh gia đình, khó khăn trước mắt… để có sự giúp đỡ phù hợp đối với từng hộ như: thiếu vốn sản xuất, đông người ăn theo, thiếu lao động, ốm đau dài ngày, mắc tệ nạn xã hội…
Với sự giúp đỡ và vào cuộc của các đoàn thể, chi bộ thôn, xóm và vai trò của đảng viên, hội viên, đoàn viên, các mô hình giảm nghèo đã xuất hiện và được duy trì, phát triển ở địa phương như: có 187 hộ nuôi gà thả vườn, 47 hộ nuôi lợn nái, 15 hộ nuôi bò, 5 hộ nuôi dê… Nghề may công nghiệp, móc hộp xuất khẩu, trồng nấm cũng đến được với người dân thông qua hoạt động dạy nghề của các đoàn thể. Với các giải pháp tích cực cùng với sự tham gia, vào cuộc của các đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên, số hộ nghèo toàn xã giảm nhanh qua các năm: Năm 2008 còn 15%, năm 2009 còn 11%. Ninh Hòa phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn 8%.
Kinh nghiệm của Đảng bộ xã Ninh Hòa trong công tác giảm nghèo cho thấy, khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên thì mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ giảm nghèo đều có thể thực hiện tốt và hiệu quả.
Bài, ảnh: Phan Hiếu