PV: Xin đồng chí đánh giá thực trạng tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Lê Hùng Thắng: Ninh Bình được đánh giá là tỉnh có các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, được phân thành 5 hệ đặc trưng: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái vùng đồng bằng, hệ sinh thái các thủy vực và hệ sinh thái vùng ven biển. Các hệ sinh thái mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học của mỗi khu vực.
Hiện nhiều khu vực trọng yếu như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Ramsa Vân Long, Rừng văn hóa, lịch sử Hoa Lư... đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế và nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 2.602 loài thực vật thuộc 1.071 chi, 240 họ của 7 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 89 loài thuộc 36 họ nằm trong sách đỏ Việt Nam và có 3 loài rất nguy cấp. Về động vật, có 2.474 loài (gồm 702 loài động vật có xương sống và 1.772 loài động vật không xương sống). Mặc dù có tính đa dạng sinh học cao nhưng tỉnh đang phải đối mặt nguy cơ suy giảm các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học.
Điển hình, trong số loài động vật có xương sống được ghi nhận tại Ninh Bình có 176 loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, có 62 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 132 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN (của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và 64 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Đặc biệt, có một số loài đang được xếp ở cấp nguy cấp cao trong Sách đỏ Việt Nam: Hổ, Báo hoa mai, Trăn mốc, Rắn hổ chúa...và một số loài được xếp vào ưu tiên bản tồn như: Vọoc xám, Vọoc mông trắng và Culi nhỏ.
PV: Đa dạng sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Với tầm quan trọng đó, những năm qua tỉnh ta đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Hùng Thắng: Thời gian qua, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được triển khai đồng bộ, đảm bảo duy trì và phát triển các nguồn gen bản địa, tính đa dạng sinh học tại các khu vực bảo tồn.
Trong đó, công tác quy hoạch được chú trọng triển khai thực hiện. Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng của tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020 đã được phê duyệt và triển khai đồng bộ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương trên cơ sở phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc lấy gỗ củi, săn bắn động vật hoang dã của người dân sống trong và ven rừng. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên thực hiện. Các sở, ban, ngành và các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng công an và kiểm lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.
Các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm đã cơ bản được xóa bỏ, các cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, các nhà hàng có sử dụng các sản phẩm chế biến từ các động vật hoang dã được kiểm soát nghiêm ngặt. Tỉnh cũng tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ triển khai các dự án về bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhiều dự án, mô hình được triển khai có hiệu quả: Dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Chương trình "327"; Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định "661"; Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn; Mô hình bảo vệ rừng bền vững tại khu du lịch sinh thái Thung Nham, xã Ninh Hải; Mô hình trồng tràm nước ngọt trên vùng đất lầy thụt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long...được thực hiện khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng triển khai. Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác thỏa thuận hợp tác quốc tế với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn cộng đồng về nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế hoạt động bảo tồn các loài động vật hoang dã, như: Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương hàng năm đã nuôi dưỡng và thả về rừng hàng trăm con thú thuộc loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới; Trung tâm Bảo tồn gấu Ninh Bình đã nuôi, chăm sóc và cứu hộ cho những cá thể gấu bị nuôi nhốt, trích mật, nạn nhân từ hoạt động buôn bán trái phép góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
PV: Với chủ đề "Hành động vì thiên nhiên", xin đồng chí cho biết các hoạt động thiết thực sẽ được triển khai tại tỉnh nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay?
Đ/c Lê Hùng Thắng: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới ở tỉnh Ninh Bình trong những năm qua đã trở thành hoạt động xã hội thường niên được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với nhiều hoạt động cụ thể góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của UBND tỉnh về triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố triển khai "Tháng hành động vì môi trường" với các hoạt động thiết thực.
Trong đó tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, lên án các hoạt động buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng sản phẩm thân thiện, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học...
Tổ chức treo băng rôn, áp phích tuyên truyền về chủ đề môi trường, đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan nơi làm việc, nơi đông người qua lại. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Triển khai các biện pháp phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen. Thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động ra quân làm vệ sinh môi trường, dọn vệ sinh thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ kênh mương… trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày thứ bảy tuần đầu tiên của tháng 6 (ngày 6/6/2020). Phát động phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn.
Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. Khuyến khích các tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Giang (thực hiện)