Hội thi chọi gà: với sự tham gia của Hội Nông dân 8 huyện, thành phố. Có 25 đôi gà chọi dự thi tại lễ hội. Chọi gà là một trò chơi dân gian truyền thống lâu đời, xuất phát từ thực tế chăn nuôi, sản xuất của cư dân nông nghiệp. Hội thi có ý nghĩa tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người dân tham gia lễ hội, khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất, đa dạng các hình thức chăn nuôi, cải thiện đời sống nông dân. Hội thi chọi gà kéo dài từ ngày 5 đến ngày 7/4 (9-11/3 âm lịch).
Trò chơi tổ tôm điếm: Có 11 xã trong huyện Hoa Lư với 22 người tham gia. Trò chơi tổ tôm điếm là loại hình giải trí dân gian truyền thống, được chơi theo thể thức mỗi hội tổ tôm điếm gồm 3 hiệp, người thắng sẽ là người có tổng số điểm 3 cao nhất trong một hội.
Chơi tổ tôm điếm. Ảnh: MQ
Trò chơi tổ tôm điếm là trò chơi phổ biến trong dân gian nhưng năm 2107 mới chính thức đưa vào lễ hội Hoa Lư. Trò chơi này với việc kiến tạo không gian văn hóa truyền thống, giúp người dân có những trải nghiệm với các trò chơi trong dân gian đặc sắc.
Giải vật dân tộc: Tham dự giải gồm 8 huyện, thành phố với có 50 đô vật, thi đấu 2 nội dung: Thiếu niên và vô địch. Nội dung thiếu niên chia 4 nhóm tuổi; vô địch chia 6 nhóm tuổi.
Một nội dung thi đấu trong giải Vật dân tộc. Ảnh: MQ
Các đô vật của 2 nội dung trên được chia làm nhiều hạng cân; căn cứ vào số lượng vận động viên đăng ký thi đấu sẽ quyết định thể thức thi đấu vòng tròn hoặc loại trực tiếp. Ngoài ra Ban tổ chức còn tổ chức thi đấu các giải lèo phục vụ du khách thi đấu.
Hội thi thư pháp: Có sự tham gia của hơn 60 thí sinh với đủ các thành phần, đối tượng, lứa tuổi ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Thư pháp vốn được xem là một bộ môn nghệ thuật rèn chữ viết tại nhiều nước trên thế giới.
Thi thư pháp. Ảnh: MQ
Môn nghệ thuật này được cho là sẽ giúp rèn luyện trí óc trở nên sắc bén và tập trung cao. Những bức thư pháp trong cuộc thi sẽ được tập hợp lại và trải qua các vòng thẩm định nghiêm ngặt trước khi công bố kết quả trong ngày bế mạc Lễ hội Hoa Lư.
Hội thi mâm ngũ quả tiến Vua: Có 8 đoàn tuyển là Hội Phụ nữ của 8 huyện, thành phố tham gia. Mỗi đội đều có sự chuẩn bị chu đáo từ chủ đề, lựa chọn hoa quả, cách bài trí, cắt tỉa, sắp đặt, tạo dáng hết sức phong phú, sáng tạo. Các mâm ngũ quả vừa giữ được nét truyền thống, vừa toát lên sự tươi mới, hấp dẫn. Qua hội thi nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo và du khách.
Hội thi mâm ngũ quả. Ảnh: MQ
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải nhất cho mâm ngũ quả của Hội phụ nữ huyện Gia Viễn; giải nhì: thành phố Tam Điệp và huyện Hoa Lư; giải ba: huyện Yên Mô và Nho Quan. Các mâm ngũ quả được tham gia trưng bày tại Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Thi đấu bóng chuyền: Có 12 đội bóng với 60 vận động viên của các xã, thị trấn trong huyện Hoa Lư tham gia thi đấu theo thể thức đấu loại trực tiếp. Ban tổ chức sẽ giải nhất nhì ba cho các đội sau khi giải kết thúc.
Một trận đấu bóng chuyền tại lễ hội Hoa Lư năm 2017. Ảnh: MQ
Bóng chuyền là môn thể thao có truyền thống trong các xã của huyện Hoa Lư, do vậy thi đấu môn bóng chuyền nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều quần chúng nhân dân, tạo được không khí thể thao đặc biệt sôi động cho lễ hội.
Triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình": Trong khuôn khổ các hoạt động triển lãm trưng bày tại Lễ hội Hoa Lư năm 2017, Nhiếp ảnh tỉnh Ninh Bình tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình" tại khu vực sân lễ hội.
Triển lãm ảnh. Ảnh: MQ
Triển lãm trưng bày 120 bức ảnh được thực hiện trên nhiều chất liệu, kích cỡ: ảnh có chiếu đèn led, ảnh meka; nôi dung các bức ảnh thể hiện đa dạng các chủ đề như sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân, phong cảnh, các di tích lịch sử, các làng nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội trong tỉnh...
Qua triển lãm ảnh người dân và khách du lịch có những cảm nhận trực quan, sinh động về những nét đẹp văn hóa, lịch sử, nhân văn của tỉnh, góp phần quảng bá cho hoạt động du lịch của Ninh Bình trong mùa lễ hội Hoa Lư 2017.
Hội trại thanh niên "Tự hào tuổi trẻ Cố đô": Hội trại do Tỉnh đoàn Ninh Bình tổ chức, với nhiều nội dung thi: dựng và trang trí trại, cắm hoa nghệ thuật, kéo co, nhảy bao bố, đi guốc sáu chân, nấu cơm nhanh, trò chơi đập niêu đất...
Đoàn viên thanh niên thi nấu cơm. Ảnh: MQ
Trong ngày 9/3 âm lịch, nội dung thi cắm hoa nghệ thuật và thi nấu cơm nhanh đã diễn ra với không khí hào hứng, sôi nổi. Kết quả phần thi cắm hoa: giải nhất Đoàn Thanh niên Công an tỉnh; nhì gồm: thành đoàn Tam Điệp, Đoàn thanh niên BCHQS tỉnh, Huyện đoàn Nho Quan; ba Đoàn trường CĐ nghề Cơ giới Ninh Bình, Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh, Huyện đoàn Gia Viễn.
Hội thi nấu cơm nhanh kết thúc với 11 giải A cho các đơn vị.
Biểu diễn múa rối nước: Nhà hát chèo Ninh Bình tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa rối nước với nhiều tích trò. Tham gia biểu diễn có 50 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công. Các trò rối quen thuộc gồm; Tễu giáo trò, Rồng phun lửa, Cờ lau tập trận...
Biểu diễn múa rối nước. Ảnh: MQ
Múa rối là một loại hình giải trí dân gian truyền thống với nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, điều khiển rối, thu hút rất đông du khách đến xem.
Mai Phương-Minh Quang