Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Bạch Liên cho biết: Từ trước đến nay, người dân thôn Bạch Liên phải sử dụng nguồn nước mưa, nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt.
Mùa mưa thì tạm đủ, song vào mùa khô người dân nơi đây luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Để khắc phục, nhiều hộ đã đầu tư xây bể, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ kênh về sử dụng.
Dù nguồn nước này đã được người dân dùng hóa chất xử lý nhưng vẫn đậm màu và có mùi tanh. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chị Phạm Thị Mận, người dân ở thôn Bạch Liên cho biết: Để có nước sinh hoạt, gia đình chị đã đào giếng khoan và xây bể đựng nước mưa. Dù nước giếng khoan đã được gia đình dùng hóa chất xử lý nhưng nước vẫn đậm màu và có mùi tanh.
"Nhà có trẻ con nên tôi cũng muốn có nước sạch để trẻ dùng. Thiếu nước cực lắm, do đó tôi và nhiều hộ dân trong thôn mong muốn Nhà nước quan tâm sớm đầu tư xây dựng nhà máy nước để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân"- Chị Phạm Thị Mận kiến nghị.
Đồng chí Lương Xuân Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: Năm 2000, xã Yên Thành được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đặt tại trung tâm xã với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 560 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách nhà nước.
Công trình có công suất thực tế là 400m3/ngày đêm nên chỉ có thể cung cấp nước sạch cho người dân của 6 thôn trên địa bàn xã. Năm 2005, UBND xã Yên Thành đã nâng cấp hệ thống máy của công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung nhưng cũng chỉ cung cấp nước đủ cho thêm 3 thôn, đến nay vẫn còn 831 hộ thuộc 6 thôn (Thượng Phường, Bạch Liên, thôn 83, thôn 92, Yên Hóa, Tiên Dương) vẫn chưa được cấp nước sạch. Đây là những thôn ở xa trung tâm xã, vì vậy việc lắp đặt đường ống dẫn nước cần rất nhiều kinh phí.
Trước kiến nghị của người dân ở các thôn nói trên, chính quyền địa phương cũng đã tìm giải pháp để khắc phục song nguồn kinh phí hạn hẹp nên rất khó khăn để hỗ trợ người dân. UBND xã cũng đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trên.
Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1251/QĐ - UBND về việc giao quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại xã Yên Thành cho Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành tiếp quản, sửa chữa và có giải pháp cung cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân địa phương.
Theo đó, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành giao đơn vị thành viên là Công ty cổ phần nước sạch và môi trường Thuận Thiên quản lý, khai thác và sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung xã Yên Thành. Tuy nhiên đến nay, người dân tại 6 thôn nói trên vẫn đang mòn mỏi chờ nước sạch từng ngày.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch và môi trường Thuận Thiên cho biết: Căn cứ vào đề nghị của nhân dân 6 thôn chưa được sử dụng nguồn nước sạch ở xã Yên Thành, Công ty đã phối hợp với UBND xã khảo sát và đưa ra 3 phương án cung cấp nước: Xây dựng nhà máy nước sạch mới (kinh phí ước tính 6,5 tỷ đồng); nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung xã Yên Thành (ước tính 3,5 tỷ đồng) và phương án 3 là dẫn nước từ công trình nước sạch xã Yên Thắng (kinh phí ước tính 2,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế thì việc đảm bảo nguồn thu cho Công ty để xây dựng nhà máy nước sạch và nâng cấp công trình nước sạch của xã là rất khó.
Do vậy, thời gian tới Công ty đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, giao công trình nước sạch xã Yên Thắng cho công ty quản lý, khai thác, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu nước sạch cho người dân 2 xã Yên Thắng và Yên Thành.
Như vậy, để người dân ở 6 thôn còn lại của xã Yên Thành sớm được dùng nước sạch rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành chức năng. Và trước mắt, những người dân nơi đây vẫn chỉ biết chắt chiu nguồn nước giếng, nước kênh để sinh hoạt.
Bài, ảnh: Mai Lan