Đối với nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày nghỉ tiếp theo của đầu tuần thứ hai trong tháng 2, sau khi có thông báo tiếp tục nghỉ học phòng bệnh của Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đã họp với đội ngũ cán bộ, giáo viên, xây dựng lại kế hoạch dạy và học trong học kỳ II năm học 2019-2020; đồng thời tổ chức tập huấn về dạy và học trực tuyến cho giáo viên cũng như thống nhất, khuyến khích các hình thức dạy học trực tuyến cho học sinh để củng cố kiến thức và hỗ trợ học sinh tự học ở nhà trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch Covid-19. Cùng với đó, nhà trường xây dựng thời khóa biểu chi tiết cho các khối lớp, tập trung vào 3 môn học chính, đó là: Văn, Toán và tiếng Anh. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông báo đến phụ huynh, học sinh qua Group Zalo, Facebook, của phụ huynh lớp, của nhóm học sinh, để học sinh ý thức việc học và phụ huynh nhắc nhở con em học tập đúng giờ, hiệu quả.
"Hàng ngày, theo đúng giờ giấc như đi học, vào 7h30, giáo viên và học sinh kết nối với nhau thông qua các thiết bị và công nghệ số. Giáo viên giảng dạy, giao bài, chấm điểm, chữa bài,… cũng như quản lý việc "lên lớp" từ xa cho học sinh. Học sinh tham gia các tiết học, học bài trực tuyến, học nhóm thông qua "live chat" hay "live stream", làm bài, nhận kết quả học tập,… tại bất kỳ nơi đâu, không cần đến lớp tập trung tại trường. Sau mỗi bài tập, bài giảng, học sinh phải gửi bài đã học, đã làm qua Gmail cho thầy, cô giáo bộ môn, đồng thời, các thầy cô còn tổ chức cho học sinh nhận xét các bài làm của nhau...". Hình thức học này khá vất vả cho giáo viên, bởi phải thành thạo công nghệ thông tin, thường xuyên theo dõi để thu nhận bài học của các em, đồng thời phải thông báo tiến độ tham gia học, làm bài của học sinh để phụ huynh và các em nắm được..." - một giáo viên chủ nhiệm lớp 11, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) chia sẻ.
Theo nhiều thầy giáo hiệu trưởng các trường THPT, việc ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy học hiện nay đã được các nhà trường thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, hình thức dạy học này được thực hiện theo cách khác - đó là dạy học online, học sinh không phải đến trường hoặc tập trung tại một địa điểm. Việc dạy học trực tuyến không thể thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ như hệ thống Internet, máy tính, điện thoại nối mạng... Cùng với đó, khi người thầy triển khai dạy trực tuyến, đòi hỏi sự tương tác, ý thức tự giác của học sinh và có sự phối hợp từ phía phụ huynh để nhắc nhở con, em mình tập trung học tập. Hiện đây là hình thức học khá phù hợp để các giáo viên thực hiện hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài tại nhà…
Được biết, hiện tùy vào điều kiện và trình độ ứng dụng CNTT khác nhau, mỗi giáo viên có những cách thức dạy online khác nhau, với một số phần mềm, ứng dụng cụ thể, phù hợp với điều kiện giảng dạy của giáo viên và học sinh. Trong đó, đa phần, các giáo viên thông qua các phương tiện công nghệ thông tin như Facebook, Zalo, Viber.... để hướng dẫn học sinh ôn tập lại kiến thức đã học, đồng thời giáo viên giao bài tập để cho học sinh thực hiện và đánh giá. Một số ít giáo viên thông thạo công nghệ thông tin đã thực hiện dạy trực tuyến, sử dụng gậy selfie (tự sướng), live stream (phát sóng trực tiếp) để dạy học.
Hình thức dạy học này được nhiều học sinh phấn khởi, tán thành, bởi đó là hình thức dạy học mới, thú vị, giúp các em học sinh có thể tương tác trực tiếp, đặt câu hỏi, trao đổi bài học, bài tập mà các em chưa hiểu cho giáo viên và được giáo viên giải đáp trực tiếp cho học sinh. Cũng theo nhiều lãnh đạo trường, nhà trường yêu cầu giáo viên phải đánh giá, kiểm tra học sinh hàng ngày. Sau mỗi buổi học online, giáo viên có sẽ trách nhiệm giao bài tập trên phần mềm học tập trực tuyến và thời hạn học sinh phải nộp bài, để đánh giá học sinh có tích cực học tập, hiệu quả hay không và nếu cần, thực hiện cho điểm số, đánh giá xếp loại ý thức, hạnh kiểm...
Để nâng cao hiệu quả chương trình dạy học trực tuyến cho các giáo viên và nhà trường, từ ngày 18/2, VNPT Ninh Bình đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức các lớp tập huấn dịch vụ học trực tuyến (E-Learning) miễn phí hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Phần mềm học trực tuyến E-Learning được phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ 4.0 như Cloud Computing, Adaptive Learning, Blockchain, giúp học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều loại thiết bị (máy tính, laptop, di động, máy tính bảng,…), có thể dễ dàng tham gia các khóa học mở rộng, linh hoạt cũng như thực hiện các bài thi thử để nâng cao kết quả. Tham gia dạy và học trực tuyến E-Learning, các trường học có thể tổ chức các lớp học online để đảm bảo tiến độ giảng dạy trong thời gian học sinh nghỉ học.
Đối với các giáo viên, ứng dụng giải pháp học từ xa không chỉ có thể thay thế bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử, mà còn đảm bảo việc học tập, nâng cao kiến thức cho học sinh trong thời gian không đến trường học. Đối với các học sinh, thông qua việc học và làm bài tập, hệ thống sẽ tự động chỉ ra lỗ hổng kiến thức và gợi ý bài học cho người học. Ngoài ra, phụ huynh học sinh còn có thể theo dõi lịch sử tiến trình học tập của con em mình để nhắc nhở và giám sát việc học tập của con em mình...
Đối với các bậc học như Tiểu học, THCS, hiện việc áp dụng học trực tuyến, online còn có mức độ, bởi các em còn nhỏ, chưa biết và chưa được sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng.... Theo đó, hầu hết các giáo viên chủ nhiệm, bộ môn thực hiện cho bài tập, tờ đề, nội dung ôn tập... vào các nhóm lớp để học sinh tự học, phụ huynh hướng dẫn con, em mình cùng học. Đây cũng là một trong số phương pháp giúp các em giữ được thói quen học tập, không bị gián đoạn kiến thức. Đồng thời, hình thức học này giúp tăng cường sự phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh quản lý con, em mình trong thời gian tạm nghỉ học phòng bệnh dịch Covid-19.
Cùng với các hình thức dạy và học trong thời gian tạm nghỉ phòng dịch bệnh của các giáo viên, các nhà trường, một số đơn vị dạy học, ôn tập trực tuyến cũng đã xây dựng các chương trình, hỗ trợ học sinh học trực tuyến miễn phí, giúp các em học sinh lựa chọn đăng ký học phù hợp với năng lực, trình độ trong thời gian nghỉ học, nhất là đối với học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12, góp phần giúp giáo viên quản lý được học sinh, các em được học tập theo nhu cầu và phụ huynh yên tâm làm việc.
Để tạo sự yên tâm cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh là Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố điều chỉnh 4 mốc thời gian quan trọng trong kế hoạch năm học 2019-2020, đó là: Thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020; xét công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/7/2020; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020 và thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23-26/7/2020.
Hạnh Chi