Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5-2016, toàn tỉnh có 314 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 86 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, tổng số vốn đăng ký đạt 2.147,2 tỷ đồng. Đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: Mặc dù nền kinh tế trong nước cũng như thế giới còn có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều cố gắng.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy quản lý, đổi mới công nghệ, tích lũy vốn để mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh…, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay do tác động chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực cũng như năng lực quản lý.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn tự có hạn chế, vốn tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu hết là vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn huy động.
Một số doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tình trạng chậm được thanh toán nợ xây dựng cơ bản đối với các dự án, công trình đã hoàn thành nên không có tiền trả nợ tiền vay vốn ngân hàng theo cam kết.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay vốn do chưa có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, khả thi, hiệu quả…
Bên cạnh những khó khăn về vốn thì đại diện phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng cho rằng các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn không nhỏ về thị trường và nguồn nhân lực cũng như năng lực quản lý doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương đã thực hiện tốt công tác thẩm định hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy hoạch chuyên ngành gắn với xây dựng, bổ sung các quy hoạch.
Sở đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp. Triển khai kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trong vùng di sản. Tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công tác phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Đưa vào hoạt động Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình và cấp 11 loại giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan theo tinh thần Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Sở đã triển khai thực hiện đề án khuyến công và đề án xúc tiến thương mại nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong nước và quốc tế nhằm củng cố, phát triển thị trường truyền thống cũng như khai thác các thị trường xuất khẩu mới.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử với ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật Bản gắn với triển khai giải pháp Marketing online, giúp các doanh nghiệp quảng bá và xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm cói, bèo, mây tre đan, cơm cháy, rượu Kim Sơn…
Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cấp năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020.
Hàng năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 17.000 lao động với các nghề chủ yếu như may, đan cói, chế tác đá mỹ nghệ, lái xe, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, du lịch dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi…
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 58 đơn vị. Thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi tìm được tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng trang thông tin điện tử cung cấp các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, cơ hội việc làm, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể tham khảo, tìm kiếm thông tin về lao động.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chế độ phúc lợi cho người lao động, phối hợp với chuyên gia tổ chức tư vấn miễn phí về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn cho 3 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nội quy lao động, 4 đơn vị ký kết Thỏa ước lao động tập thể…
Một trong những khó khăn luôn được các doanh nghiệp quan tâm khi đầu tư tại địa phương là chính sách về việc thuê đất giao quyền sử dụng đất.
Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt và công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất năm 2015 là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Đề án một cửa liên thông liên quan đến đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với trường hợp xin thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, sau khi các thủ tục về đầu tư hoàn thiện các tổ chức nộp hồ sơ về một cửa đều xử lý nhanh gọn, đúng thời gian quy định.
Cùng với các giải pháp trọng tâm trên, trong năm 2016, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" nhằm giảm chi phí, thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp và giảm tối đa các cuộc thanh, kiểm tra, đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Để đón đầu cơ hội khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực, tỉnh Ninh Bình cũng sẽ có các chính sách thu hút đầu tư, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tạo môi trường thông thoáng, đảm bảo theo đúng luật định. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thể hiện sự cam kết và đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh và là thước đo quan trọng, khách quan để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách của Nhà nước thì rất cần có sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung Nghị quyết 19/NQ-CP đã được Chính phủ xây dựng trên cơ sở tham vấn mong muốn và kỳ vọng của các doanh nghiệp. Do đó, hiệu quả của Nghị quyết 19 sẽ không như kỳ vọng nếu không nhận được sự tham gia phản biện từ phía các doanh nghiệp.
Bảo Yến