Năm 2009, thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả, trong đó đặc biệt đề cao công tác xã hội hóa công tác giảm nghèo. Thường vụ Thành ủy thống nhất chọn phường Thanh Bình làm đơn vị điểm về giảm nghèo, phấn đấu xóa hết hộ nghèo trong năm 2008. UBND thành phố tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, ở các phường, xã cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch giảm nghèo, thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo.
Qua các bước thực hiện, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng nhóm đối tượng để hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo. Đối với nhóm khó khăn về nhà ở, thành phố chủ động về ngân sách hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở cho 134 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, không nhận nguồn kinh phí từ Đề án 02 để dành kinh phí cho các huyện khác trong tỉnh. Tổng kinh phí xây, sửa nhà hơn 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 2 tỷ 716 triệu đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác như: Ngân sách phường, xã; tuyên truyền, vận động gia đình, anh em, dòng họ, bà con phố, xóm quyên góp tiền, vật liệu, ngày công trị giá hơn 3 tỷ 299 triệu đồng để giúp các hộ sớm được "an cư" trong những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Đến nay, đã có 133 ngôi nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cùng với giúp hộ nghèo "an cư để lạc nghiệp", các cấp chính quyền, đoàn thể còn nỗ lực giúp hộ nghèo "cần câu" để thoát nghèo. Năm 2008, thành phố đã tiến hành điều tra nhu cầu việc làm và học nghề, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp; hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn…để từ đó có biện pháp dạy nghề phù hợp, hỗ trợ kinh phí học nghề, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng. Đồng thời xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại các các cụm công nghiệp, khu tiểu thủ làng nghề với điều kiện các doanh nghiệp cam kết đào tạo nghề và sử dụng lao động tại địa phương. Năm qua, thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho 108 hộ nghèo với tổng vốn vay 806 triệu đồng; tổ chức 15 lớp dạy nghề cho hơn 500 học viên, trong đó có nhiều học viên thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo. Kết quả đã có trên 70% học viên học nghề xong có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn liên hệ với các trường cao đẳng nghề trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề, kinh phí đào tạo trích từ ngân sách thành phố. Đối với nhóm hộ nghèo thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các hộ để mua sắm phương tiện, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vật tư nông nghiệp để mở rộng các mô hình sản xuất. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể phân công hội viên thường xuyên hướng dẫn các hộ nghèo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Thực tế qua khảo sát, có nhiều hộ nghèo do gia đình có người ốm đau, bệnh tật kéo dài, tai nạn rủi ro hoặc già cả cô đơn không nơi nương tựa. Trước thực trạng trên, thành phố đã quyết định trợ cấp hàng tháng cho toàn bộ 84 hộ là người già cả, cô đơn, độc thân trên địa bàn thành phố với số tiền 265.000 đồng/tháng, đồng thời mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho đối tượng trên và cho hộ nghèo có người ốm đau, bệnh tật kéo dài, mỗi người thêm 145.000 đồng/tháng để có thu nhập tối thiểu 265.000 đồng/tháng, giúp họ thoát nghèo. Thành phố cũng đã quy hoạch và triển khai nâng cấp, xây mới các chợ phường, xã; có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; quy hoạch các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho lao động, nhất là hộ nghèo.
Nét nổi bật trong công tác giảm nghèo của thành phố là đã huy động được sự đóng góp của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và toàn xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Cụ thể như đêm văn nghệ vì người nghèo, thành phố đã quyên góp được 319 triệu đồng; các đoàn thể đã tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo hàng trăm triệu đồng, ngoài ra còn giúp vay vốn không lãi suất, hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động… Đặc biệt, thành phố đã dấy lên các hoạt động chung tay xây mái ấm cho hộ nghèo, ngoài kinh phí của thành phố, các nguồn huy động khác là 3.299.569.000 đồng.
Với các giải pháp đồng bộ trên, năm 2008, thành phố đã phấn đấu vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong công tác giảm nghèo, số hộ thoát nghèo là 293 hộ. Đến hết tháng 12-2008, toàn thành phố chỉ còn 310 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,12%. Đặc biệt, phường Thanh Bình là phường đầu tiên trong toàn tỉnh không còn hộ nghèo, phường Vân Giang còn 3 hộ nghèo, phường Đông Thành còn 8 hộ nghèo.
Thời gian tới, thành phố Ninh Bình tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và thành phố, hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2008-2010. Năm 2009, thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%; có thêm 2 phường Vân Giang, Đông Thành xóa hết hộ nghèo; tổ chức Hội Cựu chiến binh không có hội viên nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho 3.350 lao động; tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà xuống cấp cho các hộ có khó khăn về nhà ở, phấn đấu trên địa bàn cơ bản không còn nhà dột nát, xuống cấp.
Minh Châu