Làng nghề bún bánh Yên Ninh (huyện Yên Khánh) hôm nay đã có sự thay đổi tích cực về môi trường so với chục năm về trước. Đường sá được đổ bê tông kiên cố, sạch đẹp, nước thải của làng nghề được thu gom, hạn chế tối đa mùi hôi phát tán ra khu vực xung quanh.
Ông Lại Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Ninh cho biết: Làng nghề bún bánh Yên Ninh tồn tại hơn 40 năm, hiện có 385 hộ tham gia sản xuất. Trước đây, do mặt bằng sản xuất ở ngay trong khu dân cư và không có công trình thu gom xử lý nước thải nên làng nghề trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường.
Để cải thiện vấn đề này, làng nghề bún bánh Yên Ninh được các cấp, ngành quan tâm đầu tư dự án "Xây dựng hệ thống xử lý môi trường làng nghề bún bánh Yên Ninh, huyện Yên Khánh công suất 500 m3/ngày đêm" và dự án "Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường làng nghề thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh".
Các dự án được triển khai xây dựng từ năm 2012, đã cải tạo, nâng cấp toàn bộ hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường cho làng nghề, nước thải được thu gom, xử lý, không còn tình trạng xả nước thải chưa đảm bảo kỹ thuật ra môi trường.
Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác xử lý nước thải, thị trấn Yên Ninh phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của làng nghề.
Từ đó, đã có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, người dân tự đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết giảm lượng nước thải ra môi trường. So với thời điểm trước năm 2014, hiện nay lượng nước thải của các hộ làm nghề đổ ra giảm hẳn, môi trường làng nghề bún bánh Yên Ninh được cải thiện rõ rệt.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ làng nghề chế tác đã mỹ nghệ Ninh Vân. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và của chính các cơ sở sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân giảm hẳn. "Cụm công nghiệp làng nghề Ninh Vân được thành lập trên diện tích hơn 30 ha thu hút trên 70 doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất tập trung đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Bên cạnh đó, huyện Hoa Lư còn tích cực hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động cho nhân dân làng nghề và không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất (như chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, công đoạn sử dụng hóa chất bề mặt) trong khu dân cư. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất còn tích cực đổi mới công nghệ, lắp đặt hệ thống hút bụi khu vực sản xuất, đầu tư trang thiết bị dẫn nước đến máy mài, cắt để giảm thiểu bụi; đầu tư thiết bị công nghệ cao để thay thế người lao động trực tiếp" - ông Đỗ Khắc Khoát, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết.
Qua khảo sát, đánh giá của các ngành chức năng, ô nhiễm môi trường làng nghề có nguy cơ xảy ra tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ và làng nghề chế biến lương thực, nông sản tại huyện Yên Khánh, Yên Mô và Hoa Lư. Các xã, thị trấn có làng nghề đều đã lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề, trình UBND huyện phê duyệt theo quy định, làm cơ sở để các làng nghề triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều dự án, công trình, giải pháp về bảo vệ môi trường làng nghề được triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm do nước thải, bụi, tiếng ồn gây ra. Riêng đối với làng nghề bún Yên Thịnh, do chỉ còn 11 hộ tham gia sản xuất nghề bún, nên huyện Yên Mô đã yêu cầu các hộ thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường và không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề, nhất là làng nghề chế biến lương thực và làng nghề đá mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định như quy mô sản xuất tại nhiều làng nghề nhỏ, các khu sản xuất nằm rải rác, xen kẽ giữa các hộ dân cư nên việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn và cần nhiều kinh phí.
Trong thời gian tới để bảo vệ môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho nhân dân tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh; thực hiện quy hoạch và di chuyển các hộ làm nghề trong khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm cao ra các cụm công nghiệp, các khu sản xuất tập trung; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình xử lý nước thải, khí thải tại các làng nghề.
Bài, ảnh: Hồng Giang