Việc xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) năm 2016 có nhiều điểm mới. Thí sinh đăng ký một số nguyện vọng nhất định, sau đó không được rút ra nộp vào như trước, nghĩa là thí sinh chỉ đăng ký một lần, không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển. Trước đó, cuối tháng 7/2016, Hội đồng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chốt phương án 15 điểm cho tất cả các khối, các tổ hợp thi để xét tuyển đầu vào tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Mức điểm sàn này áp dụng cho khu vực 3 (nội thành). Các khu vực kế tiếp sẽ giảm 0,5 điểm. Đối tượng chính sách được giảm 1 điểm.
Theo quy định, xét tuyển đợt I (từ ngày 1 đến 12-8), mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển. Xét tuyển các đợt bổ sung (đợt 1 từ ngày 21 đến 31-8 và đợt 2 từ ngày 11 đến 21-9), mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển. Các trường kết thúc xét tuyển trước ngày 20-10 đối với hệ ĐH và 15-11 đối với hệ CĐ. Ngoài đăng ký trực tiếp tại các trường, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng trực tuyến theo địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Hiện mới đang là đợt 1 xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh đã tập trung và dành thời gian khá nhiều cho việc chọn đăng ký ngành và trường để phù hợp với số điểm đạt được. Thí sinh Đinh Thị Thu Hiền, huyện Yên Khánh được 24,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên khu vực), để chắc chắn, em và mẹ không chọn phương án nộp hồ sơ trực tuyến mà đến tận trường Đại học Ngoại thương để nộp hồ sơ. Với số điểm 24,5, em đã nộp vào ngành Tài chính- Ngân hàng. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết, với điểm chuẩn của ngành này năm 2015 là 25,25 điểm nên Hiền rất lăn tăn khi chọn trường, chọn ngành. "Để chắc chắn một suất vào đại học, em nộp thêm nguyện vọng vào ngành Tài chính - Ngân hàng của Học viện Ngân hàng. Em có xem mức điểm chuẩn của các năm, năm nay em hy vọng điểm chuẩn các ngành, trường sẽ thấp hơn năm trước vì phổ điểm thấp hơn. Em hi vọng không đủ điểm trường Đại học ngoại thương thì cũng đủ điểm vào Học viện ngân hàng…"- Hiền cho biết thêm.
Đối với em Đinh Cao Thăng, huyện Kim Sơn, ngay trong ngày 1/8 (ngày đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng đợt 1), em đã cùng chị gái đến trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nộp hồ sơ. Được 23,75 điểm, Thăng đăng ký vào ngành Thống kê kinh tế. Được biết, năm ngoái ngành này lấy điểm chuẩn là 23,5 điểm, Thăng hi vọng sẽ đỗ; nhưng để chắc chắn và được phép đăng ký thêm nguyện vọng nữa, em đã nộp thêm nguyện vọng vào trường Đại học Xây dựng, khoa Xây dựng dân dụng. Để có được quyết định nộp hồ sơ vào 2 ngành của hai trường trên, Thăng cho biết, em và gia đình đã tham khảo, bàn bạc, nhận tư vấn của rất nhiều người, từ trong gia đình, người thân đến bạn bè, đồng nghiệp của cha mẹ và nghiên cứu nhu cầu của xã hội trong những năm sắp tới… Theo Đinh Cao Thăng, việc đỗ vào các trường Đại học là không khó, nhưng quan trọng là vào được ngành và trường mà mình yêu thích thì mới học tập hiệu quả và phát huy được năng lực, sở trường trong tương lai.
Theo nhiều phụ huynh, việc trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là cơ hội và bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi con người nên cần phải suy nghĩ kỹ càng và thấu đáo kẻo sau này tiếc nuối và ân hận. Do đó, ngoài nghiên cứu kỹ việc chọn ngành, chọn trường, nhiều phụ huynh và thí sinh đến tận trường đăng ký thông tin để nộp tại trường hoặc nộp hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện, còn đăng ký trực tuyến để đảm bảo độ chắc chắn, hồ sơ không thất lạc. Tuy nhiên, theo đại diện một số trường đại học, mỗi khi thí sinh đăng ký dù là trực tuyến hay qua bưu điện, cũng chỉ có một mã đăng ký xét tuyển và chỉ một cách thức đăng ký được chấp nhận. Chưa tính đến việc nếu nguyện vọng chọn ngành của 2 hồ sơ không trùng khớp thì sẽ rất phức tạp và khó để xử lý. Bởi, hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chấp nhận phiếu được nhập vào đầu tiên. Do đó, thí sinh có thể mất nguyện vọng mà mình thực sự mong muốn trong trường hợp trường A nhập dữ liệu trước nên trường B không thể nhập được dữ liệu đăng ký của thí sinh. Do vậy, thí sinh chỉ nên chọn một cách duy nhất để nộp một phiếu đăng ký xét tuyển...
Theo đồng chí Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo: Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự điều chỉnh bằng cách rút ngắn thời gian xét tuyển. Theo đó, thời gian đăng ký ở các đợt xét tuyển chỉ còn 12 ngày đợt 1 và 10 ngày ở các đợt bổ sung. Do đó, thí sinh cần lưu ý, trong các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút lại hồ sơ đã nộp. Đây chính là điểm khác biệt so với xét tuyển năm 2015. Do đó, thí sinh cần hết sức cân nhắc trước khi đăng ký nộp hồ sơ. Một điểm mới đáng lưu ý khác là trong năm 2016, thí sinh có thể đăng ký vào tối đa 2 trường, dẫn đến việc thí sinh có thể trúng tuyển cả hai trường. Do nhiều trường hợp trúng tuyển cùng lúc hai trường như vậy, các trường ĐH không thể xác định được có bao nhiêu thí sinh học ở trường mình để có thể công bố chỉ tiêu cho đợt xét tuyển tiếp theo. Vì vậy, trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cụm thi cấp 1 bản chính).
Vì không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký nên theo các chuyên gia giáo dục, mỗi thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Tránh trường hợp như năm 2015, nhiều thí sinh muốn tận dụng hết các nguyện vọng xét tuyển mà quên đi sở thích và sở trường của bản thân. Từ đó, không ít em đã chọn ngành phải bỏ học giữa chừng hoặc chọn cách thi lại vào năm 2016, gây lãng phí tiền bạc, thời gian. Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học. Kết quả trúng tuyển đợt I được công bố trước ngày 14-8. Thí sinh trúng tuyển đợt I nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17g ngày 19-8 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện). Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như em không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển.
Ngoài ra, năm nay còn có nhiều trường tuyển sinh theo nhóm. Thí sinh ĐKXT vào các trường tuyển sinh theo nhóm (gọi chung là nhóm trường) có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ trong đợt I, thí sinh có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường. Đồng thời lưu ý, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào các trường ngoài nhóm. Các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với qui định này và công bố công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu ĐKXT.
Với kỳ tuyển sinh nhiều đổi mới như năm nay, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, tìm hiểu kỹ thông tin ngành và trường học trước khi làm hồ sơ đăng ký thôi chưa đủ, mỗi thí sinh cần lường trước nhiều tình huống phát sinh để có thể đưa ra chọn lựa đúng đắn nhất. Ngoài ra, việc so sánh điểm thi với điểm chuẩn các năm trước của ngành mình muốn học cũng sẽ giúp thí sinh ước lượng được khả năng trúng tuyển mà quyết định nên nộp hồ sơ hay không….
Mỹ Hạnh