Hiện nay, thị trường lao động Hàn Quốc được đánh giá là có nhiều ưu thế vượt trội so với các thị trường chất lượng cao khác như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông... Những ưu thế vượt trội được thể hiện như: Độ tuổi được tham gia dài nhất (từ đủ 18 tuổi đến dưới 39 tuổi), thu nhập hàng tháng cao nhất (30- 35 triệu đồng), thời gian làm việc dài, pháp lý đảm bảo nhất (duy nhất Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan phái cử), mức chi phí thấp nhất, đặc biệt là Hàn Quốc có những chính sách đặc biệt hấp dẫn như: người lao động có thể thay đổi nơi làm việc nếu có lý do chính đáng; người lao động được tái tuyển dụng đối với lao động về nước đúng hạn hợp đồng và lao động mẫu mực; chính sách ân hạn đối với người lao động làm việc tại Hàn Quốc có thời gian ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2016 đến 31/12/2016, từ ngày 10/7/2017 đến ngày 10/10/2017 và từ ngày 1/10/2018 đến thời điểm đăng ký dự thi ngành nông nghiệp (từ ngày 10/12/2018 đến 12/12/2018). Đồng thời phía Hàn Quốc không xử phạt và không hạn chế nhập cảnh đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước. Trước đó, những lao động cư trú bất hợp pháp nếu bị bắt và trục xuất sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc tối đa 10 năm…
Chương trình EPS là một chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài rất thành công của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong những năm từ 2004-2012. Nhưng từ năm 2012, cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đã đóng cửa chương trình này vì số lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp chiếm tỷ lệ cao. Bởi vậy, kể từ tháng 5/2016, sau khi Việt Nam và Hàn Quốc ký bản ghi nhớ và tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thì Hàn Quốc vẫn là thị trường thu hút người lao động nhất hiện nay đối với người lao động tỉnh Ninh Bình.
Anh Bùi Văn Phố, một lao động đến tìm hiểu thông tin về thị trường lao động Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Tôi thường xuyên theo dõi lịch đăng ký thi, thời gian tổ chức thi, các quy định và điều kiện đăng ký dự thi xuất khẩu lao động theo Chương trình EPS. Thực tế cho thấy, để có thể đỗ ở các kỳ thi này đòi hỏi người lao động phải đạt được những điều kiện khá cao ở cả kiến thức chuyên môn và khả năng ngoại ngữ. Vì vậy, để tham gia và đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi năm 2019, hiện nay tôi cũng chủ động học tiếng Hàn để đảm bảo kiến thức tham dự kỳ thi.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS được tổ chức vào tháng 6/2016, toàn tỉnh có 824 người đăng ký dự thi; kỳ thi tháng 8/2017, có 697 người đăng ký thi và đến kỳ thi tháng 6/2018, có 545 người đăng ký dự thi. Đặc biệt, các kỳ kiểm tra tiếng Hàn ngành ngư nghiệp chỉ áp dụng đối với các địa phương vùng ven biển, đối với tỉnh Ninh Bình chỉ duy nhất người lao động có hộ khẩu và cư trú dài hạn tại huyện Kim Sơn được đăng ký tham dự. Qua 3 năm tiếp nhận đăng ký thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp và kiểm tra tay nghề đánh giá năng lực, tỷ lệ lao động đạt kết quả qua 2 kỳ kiểm tra và đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc đều tăng. Cụ thể, năm 2016, có 56 người đăng ký dự thi thì có 50 người đạt kết quả kiểm tra tiếng Hàn, 16 người trong số đó đạt kết quả kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, tỷ lệ đủ điều kiện nộp hồ sơ đạt 28,6%. Tính đến năm 2018, mặc dù chỉ có 37 người đăng ký dự thi nhưng có 25 người vừa đạt kết quả kiểm tra tiếng Hàn, vừa đạt kết quả kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, đạt tỷ lệ 67,6%.
Nhằm tạo điều kiện cho lao động trong tỉnh, nhất là lao động huyện Kim Sơn đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tiếng Hàn, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức các lớp học tiếng Hàn định hướng theo Chương trình xuất khẩu lao động Hàn Quốc EPS với đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, giáo trình bài giảng theo đúng chương trình khung của EPS-TOPIK do HRD Hàn Quốc biên soạn. Với mức học phí thấp, chỉ 4.000.000 đồng/khóa học (4 tháng), Trung tâm mong muốn góp phần hỗ trợ người lao động có nhu cầu học tiếng Hàn để tham gia Chương trình EPS.
Đánh giá về cơ hội cho lao động huyện Kim Sơn trong việc tham gia thi tuyển chương trình EPS với nghề ngư nghiệp, đồng chí Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định, đây là cơ hội lớn mà không phải người lao động tại địa phương nào cũng có được. Với lợi thế là huyện ven biển, lực lượng lao động trẻ đông, người lao động huyện Kim Sơn nên nắm bắt cơ hội tham dự các kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực ngành ngư nghiệp. Đối với người lao động tham dự kỳ thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp, điểm số thường không cao như ngành sản xuất xây dựng, bên cạnh đó, ở các kỳ kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, người lao động được ưu tiên cộng điểm với người lao động có bằng cấp hoặc kinh nghiệm. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, huyện Kim Sơn cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao kỹ năng cho người lao động, bởi vì hiện nay, người lao động thuộc huyện ven biển Kim Sơn chủ yếu người lao động làm nuôi trồng thủy sản tại đầm chứ thiếu kinh nghiệm đánh bắt, vì vậy người lao động thường gặp nhiều khó khăn trong kỳ thi kiểm tra tay nghề.
Bài, ảnh: Đào Hằng