Năm học 2014- 2015 được đánh giá là năm học có nhiều đổi mới với bậc tiểu học. Đây là năm học ngành Giáo dục triển khai thực hiện Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc đánh giá đối với học sinh tiểu học. Trong đó, việc khen thưởng cuối năm được thay đổi khác hoàn toàn với thông lệ trước đó, khi không ghi cụ thể học sinh đạt học lực giỏi, khá mà thay vào đó là những nhận xét mang tính "ước lệ", khiến nhiều phụ huynh còn băn khoăn…
Bám sát các nội dung của Thông tư 30, các nhà trường, đội ngũ giáo viên đã thực hiện khá tốt việc đánh giá học sinh theo hình thức mới. Không thực hiện chấm điểm như cách đánh giá truyền thống lâu nay, mà thay vào đó là những nhận xét, đánh giá của giáo viên về năng lực, phẩm chất, khả năng tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, tự tin, tính chăm chỉ…của từng học sinh. Cách đánh giá mới đã nhận được những phản hồi tích cực, bên cạnh đó cũng còn những ý kiến băn khoăn, nghi ngại của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, vào dịp tổng kết cuối năm học vừa qua, vấn đề khen thưởng học sinh cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ngay trong ngày tổng kết năm học của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình, khi cậu con trai vừa bước ra khỏi lớp với tấm giấy khen trên tay, gương mặt rạng rỡ, chị Trần Thị Phượng (phường Thanh Bình) đã chia sẻ: Thực chất cháu nhà tôi có sức học "đuối" hơn các bạn trong lớp, nhất là môn Tiếng Việt, nên khi đọc nội dung giấy khen của con "Đã có cố gắng trong việc hoàn thành môn Tiếng Việt", tôi cũng áy náy vì bản thân con mình còn kém, chưa thể được nhận giấy khen như các bạn khác. Tuy nhiên, nhìn nét mặt tươi tắn của con, giọng nói hồn nhiên khi khoe với mẹ con được cô giáo khen, tự nhiên sự áy náy trong tôi cũng đỡ vì nghĩ, trẻ em có biết gì đâu, cứ được khen là thích, là có động lực để học… Chính bởi có sự đổi mới trong cách đánh giá học sinh nên việc khen thưởng gây sự quan tâm với nhiều phụ huynh có con đang học bậc tiểu học. Cùng có con em đang học lớp 4, nhiều phụ huynh khá băn khoăn khi cầm trên tay tấm giấy khen của con với các nội dung khác nhau: "Đã có thành tích trong việc hoàn thành các môn học", "Có thành tích nổi bật trong học tập, hoạt động ngoại khóa và rèn luyện…"… Theo nhiều người, khen thưởng nhưng với nội dung "chung chung" như thế, rất mơ hồ để biết con em mình ở mức nào của việc đánh giá. Khi chưa hiểu đầy đủ nội dung khen thưởng, nhiều phụ huynh lại có những cách "phân tích" riêng của mình. Chị Phan Thị Hiền (phường Nam Bình) cho biết: Hỏi chuyện con và qua xem giấy khen của các bạn cùng lớp, tôi nghĩ khen với nội dung "đạt thành tích nổi bật" sẽ là những cháu có học lực giỏi. Còn khen với nội dung "hoàn thành tốt các môn học" sẽ là học sinh có học lực khá. Bởi vì, những cháu được khen có thành tích nổi bật chỉ chiếm số ít, còn phần lớn là hoàn thành. Không đồng ý với ý kiến của phụ huynh trên, có người lại cho rằng, không hẳn những cháu được khen có thành tích nổi bật đã là có học lực giỏi bởi đây là đánh giá toàn diện trên các mặt: học tập, hoạt động ngoại khóa, rèn luyện, phẩm chất, sự tự tin… Bởi có những cháu học lực giỏi nhưng lại rụt rè, ít giao tiếp… Và việc thay đổi trong khen thưởng của năm học vừa qua cũng khiến nhiều cơ quan, đoàn thể lúng túng trong việc tổ chức khen thưởng. Tại nhiều cơ quan, khu dân cư, theo "ba rem" khen thưởng đã được xây dựng từ lâu, mức tiền thưởng để khen thưởng học sinh cuối năm được quy định cụ thể với các mức: học sinh có học lực giỏi, học lực khá. Tuy nhiên, khi nhận giấy khen từ các bậc phụ huynh để chuẩn bị cho việc khen thưởng con em cán bộ, công nhân viên, rất khó để phân loại đâu là học sinh giỏi, đâu là học sinh khá. Một vị làm công tác văn phòng tại một cơ quan cho biết: Đã là khen thưởng thì phải có các mức độ khen khác nhau. Tuy nhiên, do bậc tiểu học có những đổi mới trong việc khen thưởng nên sau khi bàn bạc, lãnh đạo cơ quan cũng thống nhất các cháu bậc tiểu học đều khen chung một mức là học sinh tiên tiến vì chẳng có cái giấy khen nào có ghi từ giỏi cả. Dù làm vậy là giải pháp tình thế nhưng khen thưởng có tính chất động viên, khích lệ học, nếu cứ "cào bằng" như bậc tiểu học hiện nay, sẽ làm giảm tác dụng của việc khen thưởng… Tìm hiểu quy định về việc khen thưởng theo Thông tư 30 được biết, hiệu trưởng là người đưa ra các tiêu chí để đánh giá và khen thưởng học sinh cuối năm. Tiêu chí sẽ bao gồm điểm kiểm tra cuối năm, năng lực, phẩm chất, việc tham gia đầy đủ các phong trào, thành tích thi các môn, sự bình chọn của các bạn cùng lớp… Tuy nhiên, để đảm bảo khen thưởng với các nội dung được ghi trong giấy khen đúng người, đúng đối tượng, không phải giáo viên nào cũng thực hiện công bằng, khách quan.
Qua công tác khen thưởng học sinh tiểu học năm học vừa qua, việc không tiến hành khen theo lực học khá, giỏi cũng có ý nghĩa tích cực khi không đặt nặng vấn đề so sánh giữa các học sinh với nhau, tránh cho học sinh bị áp lực bởi thi cử, điểm số. Tuy nhiên, với các nội dung khen thưởng như vừa qua cũng dẫn đến tình trạng "cào bằng" trong việc đánh giá học sinh, gây tâm lý băn khoăn cho cả học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, khi người giáo viên tiến hành khen thưởng học sinh nhưng không công tâm sẽ dẫn đến tình trạng tạo sự mất công bằng trong thi đua khen thưởng, ảnh hưởng đến sự phấn đấu, nỗ lực của học sinh và niềm tin của các bậc phụ huynh.
Bùi Diệu