Rủi ro nhất là phần mềm Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, do cửa nhập phần mềm chấm thi không có phần phân biệt thí sinh học nâng cao hay chương tình chuẩn nên không nắm được có bao nhiêu thí sinh đăng ký làm bài theo từng loại. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị, đối với ban cơ bản chỉ làm một phần riêng. Hơn nữa, chương trình chấm thi chưa được sử dụng thành thạo nên không tính được lượng nhân lực cho khâu làm phách. Bộ và bộ phận chuyên trách viết chương trình phần mềm cần có hướng dẫn cụ thể, dự kiến lượng người làm phách để các tỉnh chủ động trong phân công nhiệm vụ. Đã sử dụng phần mềm chấm thi ở hội đồng thi thử tại trường Bùi Thị Xuân, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phần mềm chấm thi chưa ổn định. Vấn đề lên điểm ở nhiều tổ khó kiểm soát, hay một việc đơn giản là một thí sinh có họ tên dài thì khi in ra, họ một trang, tên lại ở trang khác. Việc đảo phách cũng gặp khó khăn. "Bộ nên kiểm soát lại phần mềm coi thi và chấm thi đồng bộ để không lẫn lộn, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp của học sinh", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng cho rằng phần mềm quản lý thi chưa hoàn thiện, một vài biểu mẫu ghi thông tin cho thí sinh hẹp nên không đủ chỗ khi nhập dữ liệu. Trả lời thắc mắc của các Sở, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long khẳng định "sẽ tiếp tục rà soát phần mềm gửi về cho các Sở, chậm nhất vào ngày 26/5". Cần rõ ràng về kinh phí Kinh phí cũng là một trong những nội dung "nóng" tại cuộc họp, nhất là kinh phí cho ban công tác cụm trường và chấm chéo thi tự luận. "Bạc Liêu chưa nhận được văn bản chính thức về kinh phí cụm trường. Vấn đề kinh phí chấm thi cũng cần có văn bản hướng dẫn", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu kiến nghị. Cùng về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho rằng chế độ kinh phí cho ban công tác cụm thi như thế nào là rất khó khăn. "Bộ nên có văn bản về kinh phí chấm thi để các tỉnh cân đối", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đề xuất. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, đã thống nhất khung phí chấm thi tự luận là 6.000 đồng/bài. Các tỉnh căn cứ số bài thi để tính và chuyển cho đơn vị chấm bài thi của tỉnh mình. Kinh phí cho ban tổ chức cụm thi là 120.000 đồng/người/ngày với trưởng ban, phó ban là 100.000 đồng và 90.000 đồng/người/ngày đối với ủy viên thường trực. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Sở phải thực hiện công tác chuẩn bị theo bốn phương châm: quyết tâm (tổ chức kỳ thi an toàn, chất lượng, hiệu quả), sáng tạo (trong tổ chức thực hiện, giải quyết khó khăn), hợp tác (giữa các tỉnh, giữa bộ với địa phương) và có dự phòng các tình huống bất thường. "Có nhiều tiềm năng rủi ro nhất là phần mềm phục vụ thi. Cục Khảo thí và các cơ quan của Bộ phải rà soát lại và chạy thử. Các địa phương nếu có thắc mắc phải trao đổi ngay lại với Bộ để khắc phục", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lần đầu tiên thanh tra được đủ 63 tỉnh, thành phố Tăng cường an ninh cho kỳ thi, năm nay là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra với quy mô rộng khắp 63 sở giáo dục đào tạo, 63 cơ sở sao in đề thi. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ, ban công tác cụm trường đã cơ bản hoàn tất về hồ sơ và chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho kỳ thi. Một số địa phương đã huy động các lực lượng xã hội tham gia phục vụ kỳ thi. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức đưa đón, bố trí nơi ăn nghỉ cho học sinh ở xa hoặc tổ chức xe búyt cho học sinh đi thi. Tỉnh Gia Lai hỗ trợ học sinh đi thi cụm với số tiền là 20.000 đồng/học sinh/ngày. Các điểm sao in đề thi cũng được rà soát kỹ. Các đơn vị đều thực hiện đúng quy chế đảm bảo an ninh cách ly ba vòng độc lập. Duy có điểm sao in của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định còn dùng chung khu vệ sinh giữa vòng hai và vòng ba. |
Theo Vietnam+