Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Trần Phú (thị xã Tam Điệp) để tìm hiểu về phong trào đọc sách của học sinh nhà trường. Giờ ra chơi, khu vực thư viện của nhà trường ở 2 địa điểm là phòng đọc thư viện và thư viện xanh ở ngoài sân trường đã thu hút đông học sinh tham gia tìm hiểu, đọc sách, báo.
Em Bùi Huyền Trang, học sinh lớp 5B cho biết: Có thư viện xanh rất thuận lợi cho việc đọc sách của chúng em vì các tủ sách được đặt ngay khu vực sân trường, chỉ cần ra chơi là có thể chạy ra tìm sách, báo để đọc… Thầy giáo Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Trong công tác đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, việc xây dựng thư viện được nhà trường quan tâm thực hiện hàng năm. Cao điểm là đợt đầu tư xây dựng thư viện cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhà trường đã huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất cho thư viện, mua sắm, bổ sung đầu sách, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức, mở rộng kiến thức cho giáo viên và học sinh.
Đặc biệt, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng thư viện để nhân rộng phong trào đọc sách trong học sinh, năm học 2014-2015 nhà trường đã quan tâm xây dựng thư viện xanh ngay tại sân trường nhằm thu hút học sinh đọc sách một cách thuận tiện, thân thiện. Từ tháng 11-2014, nhà trường đã huy động các nguồn lực xây dựng các tủ sách ngoài trời, thiết kế và bố trí khu vực ghế ngồi, nơi đọc để mỗi giờ ra chơi, các em học sinh có thể đọc sách.
Thư viện xanh không chỉ có nguồn sách, báo của nhà trường, sự hỗ trợ của nhà tài trợ, mà còn thu hút các em học sinh góp sách, truyện, báo ở nhà mang đến đóng góp, giúp tủ sách thêm phong phú. Từ ngày có thư viện xanh, số lượng học sinh tham gia đọc sách đông, nhà trường phải phân ra mỗi khối đọc 1 ngày vì diện tích khu thư viện xanh còn nhỏ hẹp. Qua việc duy trì thư viện xanh, học sinh say mê đọc sách và có ý thức giữ gìn, bảo quản sách rất hiệu quả…
Trao đổi với đồng chí Dương Quốc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo thị xã Tam Điệp cho biết: 14 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã đã duy trì hiệu quả hoạt động của thư viện trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc sách, báo của giáo viên và học sinh. Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm duy trì hoạt động của thư viện thông qua việc mở cửa thư viện theo lịch, phục vụ nhu cầu đọc và mượn sách của giáo viên và học sinh, thống kê, phân loại sách theo thư mục, thể loại, đầu tư kinh phí để bổ sung sách cho thư viện…
Do đó, hoạt động của các thư viện trường học trên địa bàn khá hiệu quả. Mỗi thư viện trang bị từ 3.000-5.000 đầu sách các loại, trong đó tập trung chủ yếu là sách tham khảo, sách nâng cao, truyện đọc phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhiều trường còn quan tâm trang bị thêm cả sách pháp luật, tài liệu về học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh… để phục vụ cho việc nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ, giáo viên. Qua công tác kiểm tra hàng năm, các thư viện trường học của thị xã Tam Điệp đều được công nhận thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc….
Đối với việc xây dựng thư viện trường học trên địa bàn toàn tỉnh, ngành Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm đến hoạt động thư viện nhằm phục vụ tốt cho giáo viên và học sinh trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhân rộng phong trào đọc sách trong các nhà trường, hướng học sinh tham gia hoạt động văn hóa lành mạnh, bổ ích.
Qua công tác kiểm tra hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường phải duy trì hoạt động của thư viện trường học nhằm cung cấp cho giáo viên và học sinh đầy đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ, tài liệu… Trang bị đầy đủ các điều kiện để bảo quản, sắp xếp sách, phòng đọc, bàn ghế, ánh sáng… phục vụ nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh.
Hàng năm, vào đầu năm học, các nhà trường đã dành nguồn kinh phí để mua sắm thêm sách bổ sung cho thư viện từ 2-3% tổng ngân sách giáo dục của đơn vị theo Thông tư liên bộ số 30/TT-LB ngày 26-7-1990 của liên Bộ Tài chính- Giáo dục-Đào tạo. Ngành cũng tạo điều kiện cho cán bộ thư viện các nhà trường được tham dự các lớp tập huấn hoặc đi học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện trường học.
Đặc biệt, từ năm học 2013- 2014, với chủ trương đưa hoạt động của thư viện hòa nhập với môi trường để học sinh lúc nào cũng có thể tiếp cận được với sách, phát triển văn hóa đọc trong các trường tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các trường tiểu học quan tâm triển khai xây dựng "Thư viện xanh", "Thư viện thân thiện".
Từ mô hình tại Trường Tiểu học Đồng Phong (Nho Quan), đến nay toàn tỉnh đã có 30 trường tiểu học xây dựng được mô hình "Thư viện xanh". Qua bước đầu triển khai cho thấy, "Thư viện xanh" đã giúp gắn kết học sinh với văn hóa đọc, giúp học sinh tiếp cận được với sách nhiều hơn.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2013-2014 toàn ngành có 322/329 thư viện trường học đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 97,9% trong tổng số thư viện trường học. Trong đó, có 255 thư viện đạt tiêu chuẩn thư viện tiên tiến, 169 thư viện đạt thư viện xuất sắc, tăng 10 thư viện tiên tiến, 20 thư viện xuất sắc so với năm học trước. Từ hoạt động của thư viện trong các nhà trường, phong trào đọc sách được duy trì và phát triển, giúp các em học sinh tiếp cận thường xuyên với sách, trau dồi việc đọc sách thường xuyên, nhân rộng văn hóa đọc trong thanh, thiếu niên nhi.
Bùi Diệu