Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với sách báo, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức, song song với việc xây dựng thư viện truyền thống, Sở Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình "Thư viện xanh", "Thư viện thân thiện" nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho việc đọc sách của học sinh. Tùy theo điều kiện của mỗi trường mà mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện được tổ chức khác nhau. Nhưng tựu chung lại các mô hình thư viện kiểu mới này đều được bố trí ở khu vực sân trường, có bóng mát, ghế đá, khu vực bố trí các tủ sách để tiện cho việc học sinh tìm đọc sách vào mỗi giờ ra chơi. Do đó, mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện được đánh giá là phù hợp, hữu ích, góp phần thúc đẩy phong trào đọc của học sinh, giúp các em nâng cao hiểu biết, kiến thức rộng rãi trong các lĩnh vực, không còn bó hẹp trong phạm vi kiến thức sách vở, bài giảng trên lớp. Thư viện trong các nhà trường phát triển, phong trào đọc sách được duy trì đã tạo điều kiện cho các em học sinh được thường xuyên tiếp cận với sách, nhờ đó phong trào đọc sách, báo ngày càng nhân rộng. Từ năm học 2014-2015, mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện được triển khai hoạt động ở một số nhà trường.
Đến nay toàn tỉnh có 30 trường tiểu học xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện. Với nhiều nhà trường, việc đầu tư xây dựng, bổ sung hoàn thiện thư viện trường học là một trong các biện pháp để củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Do đó, hàng năm số thư viện trường học qua kiểm tra và được công nhận là thư viện đạt chuẩn ngày càng tăng. Đến nay, các cấp học từ tiểu học đến THPT của tỉnh đều có các trường học có thư viện được công nhận đạt chuẩn, tiên tiến và xuất sắc. Trong đó, tỷ lệ trường có thư viện đạt chuẩn trở lên là 251/329 thư viện trường học, đạt gần 76,3% tổng số thư viện trường học. Trong đó có 167 thư viện đạt xuất sắc, chiếm gần 50,8% (tăng 21 thư viện đạt xuất sắc so với năm học trước) và 65 thư viện tiên tiến, chiếm 19,8% (tăng 4 thư viện đạt tiên tiến so với năm học trước). Công tác thư viện trở thành một trong số tiêu chí đánh giá thi đua, tiêu chuẩn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ninh Bình cũng là một trong những địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá có số trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất cả nước…
Cùng với hoạt động của hệ thống thư viện trường học, việc đọc sách, học tập nâng cao kiến thức các lĩnh vực cho mọi đối tượng đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả tại các trung tâm học tập cộng đồng. Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều tiến bộ. Trong đó, chú trọng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng với việc duy trì nền nếp sinh hoạt thường xuyên và có nội dung học tập thiết thực, bổ ích. Mỗi năm, các Trung tâm học tập cộng đồng trong toàn tỉnh đã tổ chức từ 2.000 - 3.000 buổi học chuyên đề cho hàng trăm nghìn lượt người tham dự. Nhiều Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức được nhiều hoạt động hữu ích, cung cấp kịp thời những kiến thức cần thiết, bổ ích, được người dân đón nhận. Tại các Trung tâm học tập cộng đồng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đã phối hợp tổ chức các lớp học ngoại ngữ, vi tính, các buổi học chuyển giao khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, nói chuyện thời sự, trau dồi kỹ năng sống…, góp phần tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được học tập, trau dồi kiến thức. Nhiều Trung tâm học tập cộng đồng còn duy trì được hoạt động của tủ sách pháp luật, sách các lĩnh vực để giúp người dân tìm đọc các thông tin, nâng cao kiến thức. Các tủ sách được duy trì nhờ nhiều nguồn đóng góp: các tổ chức, cá nhân có tấm lòng và trách nhiệm với văn hóa đọc, được tài trợ, quyên góp sách cũ của người dân… nên nhiều nơi duy trì tốt số lượng đầu sách, có sự bổ sung hàng năm để làm phong phú thêm tủ sách.
Bài, ảnh: Lý Nhân