Hiệu quả cao Trước đây, người dân nuôi trồng thủy sản ở các xã bãi ngang như Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải thường kết thúc vụ sản xuất vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, sau đó toàn bộ diện tích đầm nuôi chỉ để cho rong câu mọc tự nhiên. Với cách làm này, những tháng cuối năm người dân nơi đây có thêm một phần thu nhập từ thu hoạch rong câu. Tuy nhiên theo đánh giá, thực tế rong câu phát triển tự nhiên có năng suất, chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2017 Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng rong câu chỉ vàng trên địa bàn xã Kim Hải và Kim Trung với diện tích 6 ha. Bước đầu, đề tài đã cho kết quả khả quan, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân các xã bãi ngang.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Nguyễn Văn Bình tại xã Kim Hải, hộ dân tham gia trồng rong câu chỉ vàng cho biết: Gia đình ông có 6.000 m2 trồng cây rong câu chỉ vàng theo quy trình kỹ thuật mới từ khâu chọn giống, rải giống, chăm sóc cho đến khâu cuối cùng là thu hoạch. Có thể khẳng định, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rong câu chỉ vàng cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hình thức quảng canh chỉ để rong mọc tự nhiên.
Đến nay, gia đình ông đã thu được 3 lứa với sản lượng gần 35 tấn rong tươi, tương đương 3,5 tấn khô. Với giá bán 6 nghìn đồng/kg khô, gia đình ông đã thu về 21 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến cuối vụ sẽ thu thêm từ 2-3 lứa và sản lượng đạt từ 30 - 35 tấn rong tươi. Như vậy từ mô hình này, gia đình ông thu về từ 40 - 45 triệu đồng, cao hơn năm trước từ 20-25 triệu đồng.
So với phương thức quảng canh cũ, gia đình ông chỉ mất thêm 2-3 công vãi phân và vài trăm nghìn tiền phân bón, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần. Không chỉ nâng cao thu nhập, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây rong câu chỉ vàng còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương trong thời điểm nông nhàn.
Xã Kim Trung có 300 ha nuôi trồng thủy sản ven biển với điều kiện tự nhiên và độ mặn thích hợp cho rong câu phát triển, nhưng nghề trồng rong câu ở đây chưa được người dân chú trọng. Với sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, năm nay là năm đầu tiên một số hộ dân của Kim Trung tiến hành trồng rong câu chỉ vàng theo phương thức mới.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Việc áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư thâm canh rong câu chỉ vàng đã cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn trồng quảng canh.
Các hộ dân có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng mà vẫn có thời gian làm các công việc khác. Bên cạnh đó, phát triển cây rong câu chỉ vàng có ý nghĩa rất lớn trong việc cải tạo và cải thiện môi trường ao nuôi. Bởi vì từ tháng 3 đến tháng 6, các ao đầm thường được nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loại thủy sản khác, sau mỗi vụ thì chất thải và thức ăn thừa tồn đọng dưới đáy ao, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống, nếu nuôi tôm vụ sau dễ xảy ra dịch bệnh.
Việc luân canh trồng cây rong câu chỉ vàng sẽ hấp thu chất dinh dưỡng còn tồn dư, cải thiện môi trường nuôi, cân bằng các chỉ số trong ao nuôi, giúp thủy sản vụ sau phát triển tốt, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Nhân rộng mô hình
Theo bà Nguyễn Thu Hương, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ: Rong câu chỉ vàng là một trong những loài rong có giá trị kinh tế, là thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Rong câu chỉ vàng dễ trồng, ít mắc bệnh, có thể trồng trong khu vực nước ô nhiễm để cải tạo nguồn nước, có thể kết hợp trồng với việc nuôi trồng thủy sản mà không ảnh hưởng đến chất lượng rong câu thành phẩm.
Ninh Bình có diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển hơn 2.000 ha, có nền đáy bùn, độ mặn 5-30‰ thích hợp cho rong câu phát triển, nhưng nghề trồng rong câu chưa phát triển mạnh.
Hiện nay diện tích ao nuôi trồng rong câu chỉ chiếm hơn 60% diện tích có khả năng nuôi trồng. Năm 2016, sản lượng rong câu chỉ vàng thu được của toàn huyện Kim Sơn khoảng 600 tấn khô.
Rong câu được trồng với quy mô nhỏ lẻ, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, người dân chưa mạnh dạn đầu tư về giống và phân bón nên năng suất thấp, sản lượng không ổn định, chất lượng thấp, không tạo được vùng rong nguyên liệu tập trung phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Nhu cầu về nguyên liệu rong câu ngày càng tăng, sản lượng rong câu không đủ để cung cấp cho thị trường, để khắc phục tình trạng này, cần có biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi rong câu trong tự nhiên một cách hợp lý, cần chú trọng đầu tư, nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ trồng rong câu để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Xuất phát từ thực tế trên, việc thực hiện đề tài: "ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng rong câu chỉ vàng trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình" thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân và mục tiêu phát triển của địa phương trong giai đoạn tới. Đến nay đề tài đã đạt được mục tiêu, nội dung, yêu cầu và tiến độ đề ra. Rong câu chỉ vàng phát triển tốt, năng suất sau 3 lần thu hoạch đạt trên 60 tấn tươi/ha.
Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2017, các hộ tham gia mô hình sẽ thu từ 2-3 lứa nữa, năng suất từ 25-30 tấn tươi/ha/lứa, tổng năng suất thu được khoảng 100-130 tấn tươi/ha. Sau khi trừ chi phí, mô hình trồng rong câu chỉ vàng cho lãi gần 28 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nuôi quảng canh tự phát gấp 2 lần.
Việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới luân canh cây rong câu chỉ vàng với các loại thủy hải sản khác đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: Với hiệu quả đã đạt được, đây là mô hình phát triển kinh tế có khả năng nhân rộng trong thời gian tới tại các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, người dân trồng rong câu chỉ vàng đang tự trồng và tự lo vấn đề thị trường nên giá rong thành phẩm còn rất thấp.
Chính vì vậy để phát triển bền vững mô hình trồng rong câu chỉ vàng, rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.
Hồng Giang