Đến năm 2013, Dự án tiếp tục được triển khai tại 9 trường THCS thuộc 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Ninh Bình với loại hình nghệ thuật chèo và dân ca kịch Bài chòi (thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 9-2013). Qua thời gian thực hiện Dự án đã bước đầu tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát triển văn hóa truyền thống trong lứa tuổi học sinh.
Trong buổi biểu diễn báo cáo dự án "Sân khấu học đường" tỉnh Ninh Bình năm 2013 vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Trường THCS Khánh Trung (Yên Khánh), được đông đảo khán giả yêu mến nghệ thuật hát chèo và giới chuyên môn đánh giá cao về phong cách biểu diễn cũng như tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm Đồng chí Bùi Ngọc Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Trung cho biết: Tiếp nhận và triển khai Dự án "Sân khấu học đường" từ tháng 7 đến tháng 9-2013, Trường THCS Khánh Trung triển khai 3 tiết mục (tiết mục hát múa làn điệu Đò đưa, làn điệu Sắp mưa ngâu và trích đoạn chèo cổ "Thầy đồ dạy học" (vở chèo cổ Tôn Mạnh - Tôn Trọng), với 20 học sinh tham gia chủ yếu là các em học sinh lớp 7, 8. Thuận lợi cho nhà trường khi triển khai dự án đó là việc tuyển chọn nhân tố tham gia dự án vì xã Khánh Trung được xem là một trong những nơi có truyền thống về nghệ thuật múa hát chèo.
Trong thời gian tập luyện chỉ hơn 2 tháng, được các thầy cô ở Đoàn chèo Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt có sự trợ giúp giảng dạy của các bác nhạc công đã từng công tác ở đoàn chèo nên các em đã tiếp nhận các làn điệu chèo, cách biểu diễn trên sân khấu rất nhanh, thuần thục về lời, khớp nhạc và các động tác khi diễn xuất. Vì thế, các tiết mục của nhà trường đã biểu diễn rất thành công. Đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường. Đặc biệt, khi học chèo, các em thêm yêu môn nghệ thuật truyền thống này. Em Nguyễn Thị Phương Hoa, học sinh lớp 9A, Trường THCS Khánh Trung, biểu diễn thành công vai Trinh Nguyên trong trích đoạn chèo cổ "Thầy đồ dạy học" chia sẻ: Vai diễn này hay, thể hiện đậm nét tố chất của người phụ nữ Việt Nam. Qua vai diễn, em đã học hỏi nhiều hơn từ nhân vật mình hóa thân. Em mong muốn được học nhiều làn điệu chèo cũng như được thử sức nhiều vai trong các trích đoạn chèo để có thể thể hoàn thiện mình hơn cả về nghệ thuật biểu diễn chèo cũng như trong cuộc sống.
ở Ninh Bình, Dự án triển khai thực hiện tại 3 trường THCS: Gia Thịnh (Gia Viễn); Như Hòa (Kim Sơn) và trường THCS Khánh Trung (Yên Khánh), mỗi trường chọn 20 em học sinh có năng khiếu nghệ thuật tham gia.
Sau 2 tháng trong dịp hè, được các nghệ nhân, nghệ sỹ có trình độ và tâm huyết truyền dạy, các em học sinh đã biểu diễn khá thuần thục nhiều làn điệu chèo cổ cơ bản và một số trích đoạn chèo cổ tiêu biểu: làn điệu "Đò đưa", làn điệu "Sắp mưa ngâu", làn điệu "Vu quy"; các trích đoạn chèo cổ "Thầy đồ dạy học" (vở chèo cổ Tôn Mạnh - Tôn Trọng), "Xã trưởng - mẹ Đốp", "Thị Mầu lên chùa", trích đoạn "Việc làng" (vở chèo cổ Quan âm thị Kính)…
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự án "Sân khấu học đường" năm 2013 thực hiện tại Ninh Bình cho thấy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và thu được hiệu quả cao. Thông qua các hình tượng nghệ thuật được truyền dạy, Dự án góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, giúp các em cảm thụ và trân trọng các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống, tạo điều kiện cho các em được giao lưu học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật của mình và là dịp để phát hiện, tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật chèo tỉnh nhà. Đồng thời, qua thời gian thực hiện dự án, các trường đã đẩy mạnh phong trào ca hát và các loại hình nghệ thuật truyền thống trong nhà trường và địa phương…
Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Đây là mô hình cần được phát huy và nhân rộng trong trường học.
Tiến Minh