Cùng dự ngày hội đọc sách tại Trường THCS Gia Tường (Nho Quan) với sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh, chúng tôi nhận thấy, ngày hội thu hút sự tham gia nhiệt tình, đông đủ của các thầy, cô giáo và các em học sinh nhà trường. Với chủ đề: "Đọc sách vì tương lai" đã truyền thêm cảm hứng cho các em học sinh về văn hóa đọc. Tại ngày hội, những tiểu phẩm do chính các em thể hiện qua những câu chuyện dí dỏm, hài hước, những trò chơi thú vị với phần quà là những cuốn sách đã giúp cho các em học sinh thêm tình yêu với sách.
Tại không gian các lớp học cũng được chính các em học sinh cùng nhau trang trí mới lạ, hấp dẫn bởi những cuốn sách của tri thức, của tâm hồn. Những cuốn sách được trang trí, xếp dựng theo hình tượng con thuyền tri thức, tô điểm thêm bởi những bông hoa, dải nơ xinh xắn, tạo cho không gian của ngày hội đọc sách thêm phong phú, sinh động. Em Đinh Tuyết Mai, học sinh Trường THCS Gia Tường chia sẻ: em rất thích đọc sách, những quyển sách phù hợp với lứa tuổi là những phần quà yêu thích của bố mẹ mỗi khi em đạt điểm cao, học tập tốt. Chúng em mong muốn thư viện trường được trang bị thêm nhiều sách về kỹ năng sống, về gương người tốt, việc tốt..., để chúng em được đọc và noi gương.
Thầy giáo Lê Văn Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Tường cho biết: Những năm qua, với nguồn kinh phí tiết kiệm được, nhà trường cũng đã tích cực đầu tư mua sắm các loại sách, báo, xây dựng thư viện xanh, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho các em. Nhân Ngày sách 21/4 năm 2019, nhà trường đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách với mong muốn cho các em học sinh được tìm hiểu và được đọc những cuốn sách mới, hay và hấp dẫn hơn. Cùng với đó, trong ngày hội đọc sách, các em cũng được các chuyên gia, các thầy cô giáo chia sẻ các phương pháp đọc, kỹ năng đọc hợp lý, phù hợp với từng loại sách, để có thể lĩnh hội tốt nhất những nội dung của cuốn sách. Theo tôi, tăng cường văn hóa đọc cũng là cách thức hạn chế thời gian các em tham gia vào các trò chơi game online, mạng xã hội...
Hiện nay, có rất nhiều hình thức, phương tiện truyền tin giúp con người có thể tìm hiểu, lĩnh hội các giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống trong một không gian và thời gian cụ thể, như trao đổi trực tiếp, các phương tiện nghe nhìn, các phương tiện viễn thông, máy tính... Tuy nhiên, văn hóa đọc vẫn có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, bởi việc tiếp nhận thông tin qua tài liệu vẫn là phương tiện phổ biến và đảm bảo hiệu quả cao, do tính ổn định và khả năng truyền bá không giới hạn qua không gian và thời gian. Văn hóa đọc trở thành điều kiện thuận lợi cho mỗi người tiếp thu thông tin, tri thức và vận dụng một cách có hiệu quả vào các hoạt động đời sống xã hội của mình.
Để tăng cường văn hóa đọc cho học sinh, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới việc xây dựng các thư viện xanh, thư viện mở, các tủ sách lớp học với nhiều đầu sách phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, đọc sách cho các em. Mỗi thư viện nhà trường với những cuốn tài liệu phong phú, sát với chương trình học tập và các đầu sách tham khảo, sách kỹ năng... đã phần nào phát huy tính tích cực, sáng tạo của người đọc trong quá trình tiếp cận và sử dụng tài liệu, từ đó hỗ trợ tích cực cho việc giáo dục văn hóa đọc cho học sinh. Cùng với đó, hàng năm, vào Ngày sách Việt Nam, các nhà trường đều tổ chức các buổi hội sách, thi tìm hiểu về sách, ngành Giáo dục tổ chức thi thiết kế sách... thu hút sự tham gia tích cực của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các thư viện trong nhà trường chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, phục vụ nhiệm vụ dạy và học, có rất ít sách mới và những loại sách về văn hóa, xã hội, sách kỹ năng sống...
Bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn khó khăn, việc cần được hưởng thụ sách, báo và các phương tiện thông tin là rất lớn. Tuy nhiên, do đặc điểm nơi sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội nên không phải bất cứ ai, nơi nào cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng sách, báo và các phương tiện thông tin khác. Vì vậy, làm thế nào để văn hóa đọc đến được với cộng đồng là vấn đề lớn cần được đặt ra. Trong Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2017, xác định, một trong các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là đẩy mạnh luân chuyển, phục vụ sách báo từ các thư viện công cộng đến vùng sâu, vùng xa, đến các trường học, đến các đồn biên phòng, đến trại giam, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của một bộ phận bạn đọc không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với vốn tài liệu của thư viện, như những người có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khiếm thị…
Thực hiện Đề án của Chính phủ, đồng thời xác định rõ văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và góp phần hình thành nên những công dân có trí tuệ, khả năng sáng tạo, có đạo đức, lối sống lành mạnh, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, từ tháng 4/2018, Thư viện tỉnh Ninh Bình được tặng 1 ô tô thư viện lưu động, trên xe có hơn 4.000 đầu sách, 1 máy chủ, 7 máy tính, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến..., trị giá gần 2 tỷ đồng. Điều thuận lợi cho Thư viện tỉnh là được tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 1 biên chế lái xe, kinh phí để xe hoạt động và mỗi năm thêm 200 triệu đồng bổ sung thêm nguồn sách để xe hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Qua 1 năm tiếp nhận xe thư viện lưu động đa phương tiện, đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức được gần 40 chuyến xe lưu động, phục vụ bạn đọc tại các địa phương trong tỉnh, thu hút hàng nghìn người tham gia đọc, nghe, xem...
Để khuyến khích việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 trên toàn quốc, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ 6 năm 2019. Theo đó, yêu cầu tổ chức tuyên truyền, quảng bá về Ngày Sách Việt Nam sâu rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các trường học, các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tổ chức lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam tỉnh Ninh Bình gắn với Triển lãm số "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" và các hoạt động hưởng ứng, giao lưu với diễn giả, tổ chức trao tặng sách cho học sinh. Đồng thời triển lãm các gian trưng bày, giới thiệu, phục vụ đọc sách miễn phí cho bạn đọc; triển lãm tranh cổ động "Học sinh với việc bảo vệ môi trường văn hóa, thể thao và du lịch". Cùng với đó, tổ chức "Ngày hội đọc sách" theo từng chủ đề tại các trường học trong tỉnh; phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các CLB về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh... Thời gian hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam từ ngày 1/4, thời gian các hoạt động chính diễn ra từ ngày 19-21/4/2019.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh