Đặc biệt, ngành Giáo dục - Đào tạoNinh Bình vinh dự và tự hào có Trường THPT Yên Khánh A được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Trường THPT Nguyễn Huệ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, ngành Giáo dục - Đào tạoNinh Bình được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc...
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm là dịp tôn vinh nghề "trồng người", tôn vinh những người thầy đã và đang ngày đêm miệt mài đào luyện thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; vinh danh các gương điển hình tiên tiến trong sự nghiệp giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", khơi dậy tình cảm, đạo đức và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; đề cao trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước; nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ công ơn của người thầy và là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp trồng người.
Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô trường lớp các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Tỷ lệ trẻ mầm non được huy động đến lớp tăng dần qua các năm; tỉnh đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 theo tiêu chí mới. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất được tăng cường, nhiều trường học khang trang, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được yêu cầu dạy và học; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đến nay đạt 82,6%. Số trường đạt chuẩn Quốc gia là 326 trường, đạt 69,4% các trường mầm non và phổ thông trong tỉnh. Tỷ lệ thư viện trường học đạt từ chuẩn trở lên chiếm 97%, trong đó thư viện loại xuất sắc chiếm 35,2%. Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá là một trong các điểm sáng của cả nước…
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chuyển biến đáng kể. Kết quả thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2012 đoạt 52 giải, chiếm 81,25% (tỷ lệ đoạt giải cao nhất từ trước đến nay); tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII giành được 19 huy chương (trong đó có 5 Huy chương vàng) đạt thành tích cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh. Trong nhiều năm liền, kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng liên tục đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. 5 năm qua, Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cũng là một trong các điển hình tiên tiến về thực hiện phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" và thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với cuộc vận động "Hai không" và cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Có được những thành quả to lớn đó, không thể không nhắc tới công lao của lớp lớp thế hệ các thầy giáo, cô giáo; của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và những cán bộ, viên chức công tác trong ngành. Dù ở bất cứ cương vị nào, được giao bất cứ nhiệm vụ gì, nhà giáo cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; tự trọng, giản dị trong lối sống; mẫu mực trong cư xử. Chúng ta phấn khởi trước sự trưởng thành vững vàng của các nhà giáo thương binh như thầy giáo Phạm Văn Đức, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn C, thương binh hạng 1/4, vợ mất sớm, một mình vừa hoàn thành tốt công việc nhà trường, vừa tần tảo nuôi 4 con khôn lớn, trưởng thành; thầy giáo Hứa Phú Quý, thương binh hạng 4/4, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nho Quan; thầy giáo Đinh Thanh Hiền, thương binh hạng 4/4, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Viễn; thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Yên Khánh B, thương binh hạng 2/4; thầy giáo Phạm Huy ảnh, giáo viên Trường THPT Kim Sơn A, thương binh hạng 2/4…, cùng nhiều đồng chí thương binh khác đã vượt lên nỗi đau mất mát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo.
Chúng ta vui mừng trước sự trưởng thành vững bước của các thân nhân là vợ, con các liệt sỹ, thương binh đang công tác tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, luôn xứng đáng với những người đã ngã xuống và góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của gia đình, của ngành Giáo dục - Đào tạo. Các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh và đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà sẽ còn mãi nhắc tới công lao và tấm gương sáng của các nhà giáo tiêu biểu như: NGƯT Phạm Đức Tú, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; nhà giáo Lê Nguyên Hồng, CSTĐ toàn quốc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B; NGƯT Nguyễn Thị Thái, Hiệu trưởng Tiểu học Khánh Phú, Yên Khánh; NGƯT Nguyễn Thị Giáp, Trường Mầm non Yên Mỹ, Yên Mô; NGƯT Đinh Thị Viềng, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cùng rất nhiều thầy giáo, cô giáo đang cần mẫn và lặng lẽ viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng ta hãy dành những bông hoa đẹp nhất, những tình cảm kính trọng và biết ơn nhất để dâng lên những người thầy, người cô, thể hiện niềm tri ân vô bờ bến với những người kỹ sư tâm hồn, những nhà giáo của nhân dân.
Chặng đường phát triển giáo dục - đào tạo phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang đặt ra cho ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình những nhiệm vụ nặng nề với nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tích cực rèn luyện trở thành người chiến sỹ trên mặt trận giáo dục - đào tạo, có đủ tài năng, giàu lòng nhân ái để bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những chủ nhân của thời đại mới, thời đại của nền kinh tế tri thức với những thời cơ và thách thức, của thời kỳ hội nhập và cạnh tranh.
Để làm tròn trọng trách đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình nguyện tiếp tục tô thắm truyền thống cao đẹp của nhà giáo Việt Nam, không ngừng phấn đấu rèn luyện về lý tưởng cách mạng, đạo đức phẩm chất nhà giáo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, chống biểu hiện thương mại hóa trong nhà trường, nhân rộng truyền thống yêu người, yêu nghề của ngành. Tiếp tục thực hiện các chương trình hành động, thực hiện các Nghị quyết của Đảng về giáo dục -đào tạo; ưu tiên đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đề án của Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng các đoàn thể quần chúng, chú trọng phát triển đảng viên trong các nhà trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục...
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại truyền thống của Ngành và tri ân đến những công lao của thế hệ các thầy, cô giáo đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đạt được những kết quả như ngày hôm nay. Xin được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện cả vật chất và tinh thần đóng góp cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Trước mắt là một chặng đường giáo dục - đào tạo mới, chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Chặng đường đó đang đặt ra cho đội ngũ giáo giới Ninh Bình nhiệm vụ vẻ vang nhưng rất nặng nề với nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, tích cực rèn luyện của mỗi cán bộ, giáo viên. Càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, chúng ta lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về nhiệm vụ trước mắt, quyết tâm kế thừa, phát huy cao nhất những thành quả và giá trị cao quý của các thế hệ đi trước nhằm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mới theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt".
Vũ Văn Kiểm
(Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo)