Và năm nào cũng vậy, dù tiết trời mưa xuân lạnh giá hay nắng xuân ấm áp, các buổi tổ chức Ngày thơ đều để những ấn tượng tốt đẹp cho người yêu thơ bằng những vần thơ dạt dào, sâu lắng, đặc biệt là sự thể hiện sinh động, ấn tượng của những nhà thơ nghiệp dư là các thầy, cô giáo và các em học sinh đến từ các đơn vị trường học trong tỉnh.
Điều đáng nói hơn, vài năm gần đây, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại các nhà trường, góp phần nhân lên tình yêu thơ ca trong các nhà giáo và học sinh các nhà trường, thúc đẩy phong trào học tập môn Văn học nói riêng và các môn xã hội nói chung trong các trường học.
Năm nay, Ngày thơ Việt Nam 2019 được tổ chức tại Trường THPT Hoa Lư A, thu hút hàng trăm thầy, cô giáo yêu văn thơ và giảng dạy bộ môn văn học trong các trường THPT và gần 1,5 nghìn học sinh Trường THPT Hoa Lư A hưởng ứng, dự nghe. Ngoài ra còn có các nhà thơ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã đến và giao lưu, chia sẻ với người làm thơ, yêu thơ ngành Giáo dục về cách làm một bài thơ hay, tứ thơ lạ, những kinh nghiệm trong sáng tác thơ để đạt những giải thưởng lớn và được đông đảo người yêu thơ đón nhận, nằm lòng.
Cô giáo Đoàn Thị Mận, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hoa Lư A cho biết: Hiện trong các trường THPT đều có các CLB nghệ thuật với nhiều bộ môn. Đối với Trường THPT Hoa Lư A, CLB nghệ thuật được thành lập nhiều năm nay với trên 30 thành viên, gồm nhiều bộ môn như sáng tác thơ, truyện, nhạc, biểu diễn văn nghệ... Không chỉ CLB của nhà trường, nhiều lớp cũng thành lập cho mình 1 CLB riêng để sinh hoạt, giao lưu.
Hàng năm, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày thành lập Đoàn 26/3..., CLB nhà trường và CLB các khối lớp tổ chức các buổi giao lưu nghệ thuật, qua đó là dịp các em có năng khiếu được giao lưu, chia sẻ tình yêu nghệ thuật của mình với các bạn, từ đó tích cực phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các môn học xã hội trong nhà trường.
Tại Ngày thơ, các thành viên CLB nghệ thuật của Trường THPT Hoa Lư A đã biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, múa hát, ngâm thơ, thể hiện năng khiếu nghệ thuật của các em học sinh trong trường. Em Phạm Minh Vương, học sinh lớp 11A, thành viên CLB nghệ thuật Trường THPT Hoa Lư A chia sẻ, khi tham gia vào CLB, năng khiếu và sự đam mê của chúng em được tăng lên và cùng nhau chia sẻ, thể hiện, tạo thành một sân chơi lý thú, bổ ích để học tập tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ngày thơ Việt Nam năm 2019 tiếp tục có sự góp mặt của những thầy, cô giáo có hàng chục năm làm thơ, yêu thơ và tích cực tham gia Ngày thơ. Cô giáo An Thị Quế, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Mô A chia sẻ, rất nhiều năm nay, năm nào cô cũng tham gia Ngày thơ do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Bởi mỗi năm chỉ có một lần, trong phạm vi ngành, những người thích sáng tác thơ, yêu thơ như cô lại được gặp gỡ, giao lưu, đắm mình vào những vần thơ, bài thơ mà mình ấp ủ, nâng niu, để được chia sẻ tâm hồn, suy nghĩ của mình cho ai đó, cùng tìm đến sự đồng điệu, cảm thông, chia sẻ về ngành nghề "trồng người" mà mình đã chọn, đã yêu và say mê.
Cô An Thị Quế là người yêu thơ, thích làm thơ nhưng cũng là những thầy, cô giáo đứng trên bục giảng, nên trong tâm hồn các thầy, cô luôn đầy ắp những cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, về mái trường, về các em học sinh thân yêu…., để qua mỗi vần thơ, câu thơ, các thầy, cô được thể hiện tình cảm của mình, truyền đi thông điệp về tình yêu, cái đẹp, nỗi nhớ, niềm thương...
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết: 16 năm qua, kể từ năm 2003, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ đầu tiên, hiện Ngày thơ Việt Nam được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, trở thành một hoạt động văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt tinh thần của con người Việt Nam. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị liên quan như Hội Văn học Nghệ thuật, các nhà trường tổ chức Ngày thơ Việt Nam bài bản, trang trọng và mang đậm ý nghĩa, giúp thầy và trò các nhà trường trong tỉnh có cơ hội được giao lưu, chia sẻ về thơ.
Năm nay, trong hơn 300 bài thơ của thầy, cô giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh gửi về, đã xuất hiện nhiều gương mặt mới, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 15 bài thơ tiêu biểu để đọc, giao lưu.
Qua các buổi tổ chức Ngày thơ, đã cho thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều người yêu thơ và làm thơ hay, đặc biệt là những thầy, cô giáo dạy văn, yêu thích bộ môn thơ trong các đơn vị trường học. Mỗi buổi tổ chức Ngày thơ có hàng chục bài thơ được các thầy, cô giáo và các em học sinh thể hiện là những tâm trạng, tình yêu, nỗi nhớ… về tình yêu gia đình, thầy cô, học trò, trường lớp, quê hương, đất nước… được gửi gắm, sẻ chia.
Mỗi Ngày thơ là dịp để người làm thơ và bạn yêu thơ được ngồi bên nhau, đọc cho nhau nghe những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo, lắng đọng suy tư, để từ đó thêm yêu đời, yêu nghề, ngày càng gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Cùng với đó, ngành Giáo dục cũng khuyến khích, động viên các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động thơ, văn trong nhà trường nhằm khơi gợi phong trào yêu thơ, văn trong trường học. Và thực tế cho thấy, có khá nhiều các nhà trường đã thành lập các CLB thơ, văn và hàng quý, hàng năm, nhân các dịp lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của ngành tổ chức sinh hoạt đều đặn, đem lại nhiều niềm vui, sự hứng khởi cho các thầy, cô giáo và các em học sinh, góp phần cho bộ môn Ngữ văn trong nhà trường ngày càng phát triển, được nhiều học sinh yêu thích, chọn học…
Hạnh Chi