PV: Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình về những ngày đầu bước chân vào nghề báo?
Nhà báo Đinh Quang Đức: Năm 1973, sau khi tốt nghiệp lớp báo chí khóa 1 của Đại học Tuyên giáo Trung ương, tôi được phân công về công tác tại Báo Ninh Bình. Khi đó, cả tòa soạn chưa đến chục người nên một người phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đối với những phóng viên trẻ như tôi lúc đó, nhiệm vụ được giao hàng tháng là viết mấy chục tin, bài, nên việc ngày nào cũng có mặt tại các đơn vị, các địa phương trong tỉnh là chuyện bình thường.
Không như bây giờ phương tiện đi lại thuận tiện, ngày đó có được chiếc xe đạp là quý lắm. Do hưởng chế độ tem phiếu nên chiếc xe được anh em làm báo nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Để lốp xe bền, chúng tôi đã dùng dây mây và giẻ quấn lại. Nhưng vì đi nhiều nên xe nào cũng long sòng sọc, tuột xích liên tục nên việc đi lại rất vất vả. Khó khăn là vậy nhưng mỗi khi nhận nhiệm vụ là tôi và các đồng nghiệp lại hăm hở lên đường rồi khi đã thu thập đủ tài liệu lại tất tả quay về tòa soạn ngay trong ngày để kịp viết tin, bài nộp cho số báo tiếp theo.
Làm báo thời kỳ cả nước đang tập trung cho kháng chiến nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi còn hòa mình vào các phong trào thi đua của cả dân tộc, hướng về miền Nam ruột thịt. Có những ngày cả cơ quan Báo thay phiên nhau người đi cơ sở thì người ở nhà đi thực hiện nghĩa vụ đắp đê, khi lại thay phiên nhau tăng gia sản xuất…
Chính trong môi trường vừa làm báo, vừa chứng kiến và trực tiếp hòa mình vào đời sống sinh hoạt, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân tỉnh nhà đã giúp cho những nhà báo trẻ như tôi có được cái nhìn chân thực đối với các vấn đề của cuộc sống để thể hiện sinh động, kịp thời các sự kiện trên trang báo. Đây cũng là niềm vinh dự của những nhà báo được vào nghề vào đúng thời điểm quan trọng, ý nghĩa của đất nước.
PV: Là một trong số những người có quá trình làm báo gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của tỉnh. Vậy ông có nhận xét như thế nào về hoạt động của báo chí Ninh Bình hiện nay?
Nhà báo Đinh Quang Đức: 36 năm làm báo, bản thân tôi đã được chứng kiến những giờ phút, thời điểm có thể gọi là bước ngoặt của lịch sử dân tộc và của tỉnh Ninh Bình: Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975); sự kiện sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định thành tỉnh Hà Nam Ninh; ngày tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992)… Phải khẳng định rằng các thế hệ những người làm báo tỉnh đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang: Trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, gắn bó với nhân dân, với đồng chí, đồng nghiệp, rèn luyện, phấn đấu để thật sự là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Nhiều phóng viên lăn lộn trong thực tiễn, đến những nơi khó khăn, gian khổ để tìm hiểu thực tế, viết bài, dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực.
Đối với Báo Ninh Bình và Đài PT-TH tỉnh, được sự quan tâm sát sao của tỉnh nên được đầu tư, trang bị máy móc ngày càng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu làm báo trong tình hình mới. Đặc biệt, dưới góc độ là những khán, thính giả, độc giả, tôi đánh giá cao sự đổi mới của Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh hiện nay đã xây dựng được những chương trình phát thanh, truyền hình chất lượng, những số báo được đổi mới cả về nội dung và hình thức, ngày càng thu hút bạn đọc, người xem, nghe đài.
PV: Ông có nhận xét gì về đội ngũ nhà báo trẻ hiện nay?
Nhà báo Đinh Quang Đức: Làm báo bây giờ thuận tiện và hiện đại hơn rất nhiều so với thời chúng tôi khi mới bước chân vào nghề. Thời chúng tôi, công cụ làm báo chỉ là quyển sổ, cây bút và chiếc xe đạp "cà tàng". Nếu muốn viết được tin, bài luôn chỉ có một cách duy nhất là đạp xe quay về tòa soạn, ngồi viết tay và nộp. Còn các nhà báo trẻ bây giờ thuận lợi nhất là được đào tạo bài bản, được trang bị các phương tiện làm báo hiện đại như: máy ảnh, máy ghi âm, máy tính nối mạng…
Do đó, các nhà báo bây giờ có thể vừa tác nghiệp tại cơ sở, vừa truyền được hình ảnh, tin, bài về cơ quan để kịp cho các chương trình, số báo trong ngày. Chỉ riêng điều này đã đáp ứng được các tiêu chí của làm báo hiện đại là tính nhanh nhạy, kịp thời của thông tin. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan là bên cạnh những nhà báo trẻ lăn lộn, say mê với nghề, có nhiều tìm tòi, sáng tạo, có những tác phẩm tạo dấu ấn, được bạn đọc đánh giá cao thì vẫn còn nhiều phóng viên, nhà báo trẻ ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự say nghề, làm báo vẫn còn mang nặng dáng dấp của công chức bàn giấy. Thậm chí, qua theo dõi các tin, bài trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, tôi nhận thấy nhiều sự kiện được viết ra dường như quên mất trình tự, yêu cầu của tin khiến thông tin mà người xem, độc giả cần tìm hiểu nhất trong sự kiện đó lại không có.
Tôi cho rằng đây là thiếu sót của người làm báo trẻ. Để khắc phục nhược điểm này không khó, phóng viên phải chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp, từ những người đi trước, học trong sách vở và thực tế. Trên hết, phóng viên hãy đặt mình vào vị trí của độc giả, của người xem để thấy họ cần thông tin gì để đặt bút viết và viết sao cho đúng, trúng vấn đề cần truyền tải. Có như vậy tác phẩm báo chí mới "sống" được trong công chúng và khi đó cũng đồng nghĩa các nhà báo đã tạo dựng được "thương hiệu" cho riêng mình.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hiếu (Thực hiện)