Từ những tấm lòng với Bác...
Không phải đến khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát động thì nhiều người dân trong xóm, trong thôn mới biết đến "những ông già" đêm ngày cặm cụi tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu về Đảng, về Bác để làm phong phú thêm tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn, trong xóm. Họ phần lớn là những người đã trải qua những năm tháng được chiến đấu, cống hiến cả tuổi thanh xuân trong các cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc như: Ông Đinh Văn Thân (xã Gia Phú), ông Hoàng Long Nhãn (xã Gia Thịnh), hay như lão thành cách mạng Nguyễn Văn Xá (xã Gia Vượng)...
Trong số họ, có người may mắn vì trong cuộc đời đã nhiều lần được gặp Bác Hồ như ông Đinh Văn Thân 3 lần gặp Bác, cụ Nguyễn Văn Xá có 4 lần gặp Bác. Mỗi lần gặp gỡ đó là mỗi lần được học hỏi thêm nhiều bài học sâu sắc, ý nghĩa về đạo đức, tư tưởng sống của Người. Tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là sự "khởi nguồn" cho quá trình hàng chục năm, dù trải qua các lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau, nhưng họ đều dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm những tư liệu ảnh về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, về quá trình thành lập và sự phát triển đi lên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như người đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng Đinh Văn Thân với "hành trình" hơn 25 năm đi đến các vùng, miền để sưu tầm trên 1.000 tấm ảnh về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ; người đảng viên là người Công giáo ở xứ đạo Đồng Chưa - Hoàng Long Nhãn với hơn 1.000 tấm ảnh về quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các giai đoạn cách mạng. Hay chỉ đơn giản là công việc thường xuyên, hàng ngày tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu trong sách, báo để chọn ra nội dung phù hợp với sinh hoạt chi bộ và việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở cơ sở để đảng viên trong chi bộ có thêm tài liệu học tập như việc làm của lão thành cách mạng, đảng viên 60 năm tuổi Đảng - Nguyễn Văn Xá ...
Có dịp được nghe các ông tâm sự về những việc đã làm, đang làm và sẽ làm, điều làm chúng tôi vô cùng xúc động và cảm phục là ở họ đều có chung mong muốn thông qua các tư liệu này tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ bài học sâu sắc về hành trình lãnh đạo đầy gian khổ, sóng gió nhưng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các giai đoạn của cách mạng, về giá trị tư tưởng, đạo đức của Người - một tấm gương sáng ngời mà trong suốt cuộc đời mỗi con người đều cần phải học tập và làm theo. Xuất phát từ suy nghĩ và việc làm như vậy mà ông Đinh Văn Thân mỗi lần thuyết minh cho ai đó nghe về các bức hình trong bộ sưu tập là mỗi lần ông lại rưng rưng, đôi mắt ngân ngấn nước, giọng nói như lạc hẳn... Còn ông Hoàng Long Nhãn, cả đời như "con ong cần mẫn đi tìm hoa" nhưng sẵn sàng đem những bức ảnh quý tặng cho những người, những nơi cần chúng để giảng dạy, học tập... Cụ lão thành Nguyễn Văn Xá tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn dành nhiều thời gian trong ngày cặm cụi nghiên cứu, viết ra và gom góp chút tiền nhỏ nhoi của mình để phô tô tài liệu thành nhiều bản phát cho đảng viên trong chi bộ... Tấm lòng của những đảng viên cao tuổi như ông Thân, ông Nhãn, cụ Xá đối với Bác Hồ thật đáng trân trọng.
Đến những việc làm theo lời Bác
"Thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" là truyền thống quý báu của dân tộc, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn đồng bào ta phải duy trì và làm theo. Vậy nên khi nghe tin trận lũ lịch sử hồi tháng 10-2007 làm nhiều bà con vùng xả lũ lâm vào cảnh khốn khó, hơn 100 chiếc thuyền vốn thường ngày là phương tiện mưu sinh của bà con làng du lịch Vân Long (xã Gia Vân) lập tức lên đường, tiến về vùng lũ... - Anh Nguyễn Văn Thường, Bí thư chi bộ thôn Tập Ninh đã giải thích như vậy khi kể lại việc làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đã được khen thưởng và biểu dương tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Đảng bộ huyện Gia Viễn. Ba ngày liền tham gia vận chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân vùng lũ là ba ngày liền những người tham gia đoàn cứu trợ chỉ có bánh mì khô và nước lọc. Mải miết với các chuyến ra, vào vùng lũ để đưa lương thực, thực phẩm rồi tham gia "chạy" tài sản giúp dân... Mệt và vất vả nhưng các thành viên trong đoàn, kể cả phụ nữ, không một ai có lời ca thán, chán nản hay bỏ cuộc giữa chừng. Ai cũng tâm niệm một điều: Phải gắng sức để đồng bào gặp nạn không ai bị đói, bị rét, không bỏ sót gia đình nào.
Tham gia đoàn cứu trợ của chi bộ thôn, anh Nguyễn Văn Tráng, hội viên chi hội CCB vẫn nhớ rõ: Nhiều ngày trở về nhà sau hàng tiếng đồng hồ vật lộn với sóng to và gió, các chướng ngại vật trên đường trong màn đêm, các anh trở về trong sự lo âu, chờ đợi phấp phỏng của gia đình. Thế nhưng, những người vợ, người chồng đều động viên, khích lệ người thân cố gắng tham gia giúp đỡ bà con vùng lũ vì những lúc khó khăn, sự giúp đỡ mới quý, mới có ý nghĩa nhất.
Còn nhiều những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác ở Đảng bộ Gia Viễn. Đó có khi là những cá nhân, sau khi được nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Đó cũng có khi là các tập thể từ những nội dung học tập đã trở thành các nghị quyết, chương trình hành động với những giải pháp phù hợp, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Học và làm theo lời Bác đã "thấm sâu" vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Và chuyển biến tích cực từ cuộc vận động
Theo đánh giá từ Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, huyện Gia Viễn đã có những chuyển biến tích cực, tác động không nhỏ đến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thể hiện rõ nhất ở việc thay đổi những thói quen trong tiết kiệm điện, văn phòng phẩm của cán bộ, công chức, ý thức bảo vệ của công, tài sản, công trình phúc lợi trong cộng đồng dân cư... Trên hết, là những chuyển biến tích cực của toàn Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX với 8/15 mục tiêu đạt và vượt, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 48,5% năm 2006 lên 60% năm 2007, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tăng 2% so với đầu nhiệm kỳ...
Bức thư Bác Hồ động viên nhân dân xã Liên Sơn trong phong trào xóa nạn mù chữ năm 1956. Ảnh: Phan Hiếu Là một trong số các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Gia Viễn nhiều năm qua luôn giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ xã Liên Sơn - một địa phương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, động viên về phong trào "Xóa nạn mù chữ" năm 1956 đã có nhiều việc làm để thực hiện lời dặn dò của Người, đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những chuyển biến trong lĩnh vực giáo dục. Giới thiệu với chúng tôi về bức thư Bác Hồ gửi Đảng bộ và nhân dân Liên Sơn hiện được lưu giữ trang trọng tại phòng truyền thống của xã, đồng chí Phạm Văn Thi, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Ngay từ khi thực hiện bước học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Liên Sơn là đơn vị có tỷ lệ đảng viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân tham gia học tập cao, đạt trên 80% dân số toàn xã. Tuy là địa phương sản xuất nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 10% nhưng cấp ủy, chính quyền luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người".
Để có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển giáo dục, hàng năm xã đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị cho các trường học. Đến nay, trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I, trường THCS là ngôi trường được tách ra từ trường tiểu học năm qua được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 1 tỷ đồng, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2010. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cô và trò các trường mầm non, tiểu học, THCS luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập, giảng dạy, giành những "bông hoa" thành tích tốt nhất. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ các bậc học đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh chuyên cần, hạnh kiểm tốt tăng, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt cao. Liên Sơn là xã đứng thứ 2 trong toàn huyện về chất lượng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ba trường nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục với trọng tâm là hoạt động khuyến học đã và đang khích lệ, động viên con, em trong xã hăng say, tích cực học tập. Do đó, số học sinh hàng năm đỗ các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều…
Về các xã, thị trấn của Gia Viễn, không chỉ riêng Liên Sơn, các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Gia Viễn trong quá trình thực hiện cuộc vận động đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thi đua lao động sản xuất, học tập để tưởng nhớ và kính dâng lên Người những thành tích đẹp nhất, có ý nghĩa nhất.
Phan Hiếu