Ưu tiên đưa vốn đến nông dân Để triển khai Nghị quyết 41 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tổ chức quán triệt đến từng ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn về nội dung chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng từng bước nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ tín dụng, bổ sung cán bộ hợp lý cả về số lượng và chất lượng, đổi mới phong cách giao dịch, đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn để nông dân dễ tiếp cận với vốn vay mà vẫn đảm bảo nguyên tắc tín dụng.
Đồng thời từng bước mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là trên địa bàn nông thôn. Đến nay, hệ thống ngân hàng Ninh Bình có 112 điểm giao dịch, phần lớn nằm trên địa bàn nông thôn.
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay khu vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với doanh số là 29.057 tỷ đồng. Trong đó, cho vay dưới 50 triệu đồng là 4.167 tỷ đồng; cho vay mức từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là 2.725 tỷ đồng; cho vay mức từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là 2.331 tỷ đồng; cho vay mức trên 500 triệu đồng là 19.807 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng khá cao qua các năm. Từ tháng 6-2010, dư nợ cho vay mới chỉ đạt 4.315 tỷ đồng, đến cuối tháng 8-2013 đạt 11.028 tỷ đồng, tăng 6.713 tỷ đồng. Cơ cấu cho vay nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới từng bước được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn. Trong đó dư nợ cho vay theo cơ chế thông thường chiếm tỷ trọng 87,6%, còn lại là dư nợ cho vay với lãi suất ưu đãi và cho vay theo chính sách Nhà nước chiếm 12,4%.
Đối với cho vay phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay tại 31 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt 5.046 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,7% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, những khoản vay khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh... được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng các chính sách hỗ trợ như: giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ... để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Trường hợp khách hàng đang có cơ cấu nợ nhưng có nhu cầu vay mới để sản xuất, kinh doanh khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh thì các tổ chức tín dụng căn cứ vào tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng để xem xét cho vay mới. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đến nay khá đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Có thể khẳng định, nguồn vốn đầu tư tín dụng ngân hàng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tạo điều kiện cải tiến và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ thêu ren, chế tác đá, cói mỹ nghệ... trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, việc tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội vào quá trình cho vay của các tổ chức tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đã từng bước xã hội hóa công tác cho vay. Các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng đã liên kết và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng, đẩy lùi việc cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Cần sớm tháo gỡ những khó khăn
Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao đời sống cho dân cư khu vực nông thôn, từng bước giảm sự chênh lệch giữa nông thôn với thành thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết vẫn còn một số khó khăn.
Ông Bùi Cao Thơi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình cho rằng: Nguồn vốn cho vay để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Nguyên nhân do Chính phủ chưa có chính sách dành riêng cho nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có cơ chế quy định ưu tiên nguồn vốn và lãi suất vay ưu đãi cho nhu cầu này.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động tại địa bàn mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vay vốn của khách hàng. Nguồn vốn cho vay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ở ngoại tỉnh vào vốn điều phối của ngân hàng cấp trên. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn chủ yếu là ngắn hạn chiếm trên 70% nên việc đầu tư tín dụng trung, dài hạn bị hạn chế.
Cùng với đó, môi trường mở rộng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn khó khăn. Một số khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không đủ điều kiện vay vốn như: chưa có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả; thiếu năng lực tài chính; trình độ năng lực quản trị kinh doanh, tài chính, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế...
Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn hầu hết tiêu thụ tự phát, chưa được bao tiêu sản phẩm nên việc lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn
Ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đánh giá: Nghị quyết 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng đông đảo của nhân dân trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Sau hơn 3 năm triển khai, đã thu hút được các tổ chức tín dụng thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia để khơi thông dòng chảy tín dụng về khu vực nông thôn. Hàng triệu lượt nông dân và các khách hàng ở khu vực nông thôn đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cần có sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đổi mới phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư vốn.
Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cho vay, nhất là thủ tục thế chấp, tín chấp, xử lý nghiêm đối tượng vay vốn sử dụng không đúng mục đích, chậm trả nợ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong sử dụng vốn vay hiệu quả.
Bài, ảnh: Bảo Yến