Anh Trần Văn Cao, một thợ xây có tiếng ở Yên Nhân. Mới 40 tuổi, anh Cao đã có hàng chục năm làm "cai" của một nhóm thợ có tay nghề. Mới hoàn thiện một biệt thự ở Tân An hồi trước Tết, hiện nay anh Cao và nhóm thợ đang khởi công cho một căn hộ khác. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, trò chuyện với chúng tôi, anh Cao bảo, nghề thợ xây ở Yên Nhân thì có từ rất lâu đời. ở Yên Nhân không có nhiều nghề phụ, vậy nên bao đời nay nghề thợ xây được duy trì và phát triển tốt. Tay nghề của đội thợ xây Yên Nhân thì không phải bàn đến, chưa kể lòng nhiệt tình, trách nhiệm… Theo các cụ cao niên trong làng, từ khi mới làm nghề thợ xây, người dân tự học cách tính toán, tự lựa chọn vật liệu xây dựng để xây lên ngôi nhà cho chính mình. Dần dần, nhu cầu xây dựng tăng cao nên mỗi nhóm người biết nghề lại lập thành một tốp thợ xây để đi làm thuê. Trước đây, thợ xây chủ yếu nhận công trình nhỏ như nhà cấp bốn, công trình phụ trợ đơn giản, hoặc chỉ là sửa sang lại ngôi nhà, cái sân hay cái bể nước. Nghề nối nghề, nhiều hộ gia đình cả anh em, vợ chồng, con cái đều đi theo nghề thợ xây.
"Như gia đình tôi chẳng hạn, nhà tôi có 3 anh em trai thì đều đi làm thợ xây cả. Con trai lớn của tôi khi học xong cấp 3 thì bắt đầu đi làm thợ với bố. Dù lúc đó mới chính thức làm thợ, song cách cầm bay, cầm thước, thậm chí là tính toán vật liệu sơ sơ thì nó cũng biết từ trước đó rồi. Con rể tôi mới gần 30 tuổi, nhưng đã là "thợ cái" nhiều năm nay. Nói vậy để thấy rằng, nghề thợ xây như đã "ăn sâu bén rễ" ở Yên Nhân. Hầu như đàn ông trong thôn đều biết làm nghề và làm nghề rất giỏi. Hiện nay, toàn xã Yên Nhân có trên 1000 lao động tham gia vào nghề thợ xây, trong đó có hàng trăm thợ cả. Xã còn có ngót chục doanh nghiệp xây dựng tư nhân, có thể nhận thầu các công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật khó"- anh Cao tự hào nói.
Để nghề thợ xây có sức sống mãnh liệt như vậy, theo anh Cao còn bởi vì thợ xây hiện nay vẫn được coi là nghề "sống khỏe". Tuy rằng, tiền công cho thợ cũng được phân chia theo tay nghề. Nếu là thợ cả tay nghề khéo thì tiền công từ 250 nghìn/ngày, thậm chí nếu làm những chi tiết có quá nhiều kỹ thuật khó thì có thể lên tới 300 nghìn đồng/ngày công; còn thợ phụ cũng kiếm được chừng 150 nghìn/ngày. Làm đều việc,mỗi năm người thợ xây cũng có thu nhập từ 30-50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần làm ruộng. Trong khi đó thì theo anh Cao, làm nghề thợ xây thì không hề khó, người chưa từng làm cũng có thể học mà thành thợ được. Bởi cái nghề này cứ làm mãi thì cũng thành quen. Thậm chí chẳng cần nhìn, chỉ cần dùng tay sờ cũng biết được cái khoảng cách, độ dày của lớp vữa là bao nhiêu, hoặc chẳng cần nhìn cũng có thể đặt được viên gạch thẳng tắp… Nhưng nếu muốn trở thành một người thợ có tay nghề cao thì bản thân người thợ phải có khát vọng vươn lên. Người thợ phải tự đặt các mục tiêu cho mình: Người thợ mới vào nghề thường trải qua giai đoạn làm thợ phụ, sau thời gian này, người thợ đảm nhận được những công đoạn phức tạp thì sẽ trở thành thợ chính, thợ cái… và rồi trở thành tay thợ không thể thiếu của một đội thợ xây.
Cái khó nhất của nghề, đó chính là đòi hỏi sự sáng tạo của người thợ. Muốn vậy, người thợ phải luôn học hỏi những kỹ thuật, mẫu mã xây dựng nhà ở mới, sáng tạo theo nhu cầu của chủ nhà. Anh Cao cho biết, không những người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, có đầu óc tính toán mà quan trọng nữa là đức tính tỉ mỉ, cẩn thận. Cũng theo anh Cao, làm cái nghề thợ xây cũng vất vả lắm. Tuổi thọ giảm vì luôn hít thở bụi xi măng, suốt ngày dầm mưa, hứng nắng. Không chỉ vất vả, nặng nhọc mà người làm nghề xây dựng tự do còn phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra trong nghề vì không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động chuyên dụng. Chuyện giẫm chân lên côp pha có đinh, xước tay, chảy máu chân… là chuyện thường thấy với người làm nghề. Đôi bàn tay chằng chịt sẹo, chỗ này chưa khỏi, chỗ khác lại bị… Chưa kể, làm cái nghề này "ăn lều ngủ chõng", xa gia đình quanh năm. Chỉ có ngày Tết, lễ mới có điều kiện về nhà, nhiều khi bị ốm, nằm "cong queo" trong lán mới thấy sao mà mình thiệt thòi đến thế… Vất vả thì kể không siết, nhưng đã làm nghề này rồi nó cũng "ngấm" nhiều đam mê, có muốn bỏ cũng khó vì nhớ nghề lắm. Một ngày mà không được cầm dao xây, không được ngửi cái mùi ngai ngái của hồ của vữa là tôi… phát ốm. Những công trình khi mới nhận chỉ là bãi cỏ hoang, hay đám đất lầy, nhưng chỉ sau một thời gian miệt mài, người thợ đã gây dựng lên ngôi nhà đẹp đẽ, ấm cúng cho gia chủ. Đến lúc nhà đẹp rồi thì cũng là lúc chia tay ngôi nhà, rồi lại hành quân tìm đến những nơi còn bộn bề, ngổn ngang khác để thi công những công trình.
Vất vả là thế nhưng ngày ngày, những người thợ xây Yên Nhân vẫn chăm chỉ lao động bằng một tinh thần lạc quan. Mỗi công trình hoàn thiện đều thẫm đẫm mồ hôi của những người thợ- những "con ong" đi xây tổ ấm cho mọi nhà.
Nguyễn Hùng