Kể về con đường đến với "phấn trắng, bảng đen" của mình, thầy giáo Nguyễn Văn Đường trầm ngâm: Bố mẹ tôi sinh được 6 anh chị em. Nhà tôi rất khó khăn, vì vậy tốt nghiệp THPT, tôi ở nhà giúp đỡ bố mẹ làm kinh tế, với công việc xay xát gạo chăn nuôi lợn … Rồi không muốn cuộc sống mãi buồn tẻ như thế, tôi quyết định phải thay đổi. Đến năm 23 tuổi, tôi thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, trở thành sinh viên nhiều tuổi nhất của lớp. Tốt nghiệp năm 2001, tôi đi dạy ở Bạc Liêu và tới năm 2005, tôi mới thực hiện được ước mơ được dạy môn ngoại ngữ tại Trường THCS Cúc Phương của mình - thầy giáo Nguyễn Văn Đường chia sẻ.
Hăm hở trở về quê hương với bao khát vọng được cống hiến, nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Đường cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khi chính các bậc phụ huynh và học sinh vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của môn học ngoại ngữ. Bằng nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ và sự tận tâm, yêu nghề, thầy giáo Nguyễn Văn Đường tích cực nghiên cứu các tiết học mẫu, tham khảo kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để từ đó tìm ra cách dạy phù hợp. Thầy Đường cho biết thêm, thời gian trên lớp quá ít để các em thực hành những kỹ năng như nói, đọc hay giao tiếp… trong khi đó, ở nhà cũng ít phụ huynh có thể kèm cặp thêm cho con môn học này, chính vì vậy nhiều học trò thấy môn tiếng Anh khó học và học cho … qua chuyện.
Từ thực tiễn đó, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của tiết học tiếng Anh, quan trọng nhất phải tạo cho các em sự hứng thú chứ không phải là bắt buộc. Từ đó, thầy giáo Đường dành nhiều thời gian để tìm hiểu tâm lý của học trò, thấu hiểu những băn khoăn, e dè của học sinh khi tiếp cận với môn học này và thầy nhận ra rằng, học trò thường thích hoạt động sôi nổi, qua đó có thể tiếp nhận kiến thức một cách từ từ, nhẹ nhàng. Vậy là thầy bắt tay vào tự thiết kế đồ dùng dạy học, thiết kế các tiết học theo kiểu "học mà chơi - chơi mà học", qua đó tạo sự hứng khởi cho học sinh. Thầy giáo Đường đã đưa ngôn ngữ tiếng Anh đến gần với học trò thông qua các trò chơi, qua các mẩu giấy dán trên đồ vật hay thông qua biển hàng cây biết nói…, nhờ vậy mà học sinh thường xuyên được tiếp xúc với từ vựng mới. Ngoài ra, thầy giáo Đường cũng chủ động nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những kiến thức, kỹ năng mới được thầy áp dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh nên hiệu quả đạt được sau mỗi giờ học tiếng Anh rất tốt.
Sau 14 năm công tác tại Trường THCS Cúc Phương, thầy giáo Nguyễn Văn Đường đã thắp lên niềm đam mê và đồng hành cùng học trò trong chặng đường chinh phục môn học tiếng Anh. Thầy giáo Nguyễn Văn Đường chia sẻ: Bồi dưỡng học sinh giỏi có ý nghĩa ươm mầm, định hướng phát triển theo thế mạnh của các em. Giáo viên không chỉ là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh trí thức mà còn phải giúp các em vững vàng tâm lý mỗi khi chinh phục một đỉnh cao mới. Để việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả thì yếu tố quan trọng nhất là người giáo viên phải có sự tận tụy, đam mê, bền bỉ với công việc, từ đó thường xuyên trăn trở, tìm tòi, cập nhật kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy phù hợp để học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả… Với sự đồng hành của thầy giáo Nguyễn Văn Đường, thành tích học sinh giỏi môn tiếng Anh của nhà trường ngày càng được nâng cao. Nhiều học sinh được thầy Đường dìu dắt đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2016-2017, nhà trường có một học sinh đạt giải nhì kỳ thi Tài năng tiếng Anh cấp tỉnh.
Em Hoàng Thị Trà My, học sinh lớp 8, Trường THCS Cúc Phương là một trong những học sinh giỏi môn tiếng Anh. Hiện nay, Trà My có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Trà My tâm sự: Chúng em được học ngoại ngữ muộn hơn so với các bạn ở thành phố. Việc tiếp cận với sách vở, tài liệu cũng có phần hạn chế hơn do gia đình chưa có điều kiện. Tuy nhiên, được sự chỉ dạy nhiệt tình, tâm huyết của thầy Nguyễn Văn Đường chúng em đã bắt đầu yêu thích bộ môn này. Ngoài giờ học trên lớp, học từ thầy giáo, chúng em cũng tích cực tận dụng lợi thế của địa phương là nơi được đón tiếp nhiều khách du lịch, trong đó có khách người nước ngoài để trò chuyện, giao tiếp. Nhờ đó, kỹ năng nghe, nói của chúng em được cải thiện lên rất nhiều.
Nguyễn Hùng