Khi chúng tôi tới, thương binh Bùi Văn Mộc đang khá bận rộn với việc vừa phải trông giữ tới …6 đứa cháu cả nội lẫn ngoại, vừa lên chương trình cho buổi gặp mặt những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vào tuần tới. Ông cười hiền: Hôm này là ngày nghỉ cuối tuần nên các cháu về đông đủ. Bà nhà tôi tranh thủ dọn vườn, chuẩn bị trồng ít rau sạch để phục vụ con cháu trong các bữa ăn.
Lấy ủ nước chè xanh rót mời khách, ông Mộc hóm hỉnh: Từ mấy chục năm nay, dù bận tới mấy, bà nhà tôi cũng không một ngày quên ủ cho tôi một tích nước chè xanh như thế này. Rồi ông Mộc kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Vũ Đại, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn. Cha mẹ ông sinh được 3 người con và ông là con trai duy nhất của gia đình. Tròn 20 tuổi, ông viết đơn tình nguyện lên đường ra chiến trường. Thời ấy, vì gia đình có một mình ông là con trai nên ông được ưu tiên không gọi nhập ngũ. Song, hình ảnh bạn bè cùng trang lứa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu đã thực sự làm ông xúc động. "Khi Tổ quốc lâm nguy thì mình không thể đứng ngoài cuộc. Tôi thuyết phục gia đình cho tôi nhập ngũ. Nhưng chưa kịp đồng ý thì bố mẹ tôi lần lượt qua đời"- ông Mộc xúc động.
Đội tang cha mẹ xong, ở cái tuổi 20 ấy, ông dấu chặt nỗi đau riêng để lên đường tòng quân đánh giặc vào tháng 12-1967. Đơn vị đầu tiên của ông là Trung đoàn 1, nhiệm vụ của ông là huấn luyện bộ đội đi B. Đến tháng 10-1969, ông Mộc cũng lên đường đi B. Gần 1 năm sau, trong một trận càn của địch ông Mộc bị mù mắt bên trái. Khi sức khỏe dần hồi phục, ông Mộc lại trải qua một trận sốt rét "thừa sống thiếu chết". Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo nên ông được điều về tuyến sau làm hậu cần tại đoàn 220-Cục hậu cần, Quân khu 7. Đoàn 220 khi ấy có 2 xưởng may, mỗi xưởng chừng 100 đồng chí. Nhiệm vụ của xưởng là may quân trang, quần áo, mũ, cờ… Nhiệm vụ của ông Mộc là làm quản lý một xưởng may. Và cũng từ trong công việc ấy, ông đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình- bà Phan Thị Phấn. Bà Phấn là con gái miền nam. Gia đình bà Phấn cũng là một gia đình cách mạng. Cha bà là cách mạng nằm vùng. Hai anh trai của bà là liệt sỹ. Bà và người chị gái cũng xung phong đi bộ đội. Câu chuyện về người con gái nhỏ bé nhưng gan dạ, khí tiết ấy đã thực sự làm rung động trái tim ông. "Những lúc tôi đau ốm do vết thương tái phát, Phấn lại chăm chút cho tôi từng thìa cháo, từng viên thuốc. Những lúc ấy, tôi thấy Phấn dịu dàng thật giống người mẹ của tôi. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu nảy nở từ trong gian khó, bom đạn. Tình yêu ấy được đồng đội ủng hộ, bè bạn chúc phúc. Không có nhiều thời gian dành cho những tình cảm riêng tư, bởi chúng tôi đều hiểu phải cố gắng làm việc bằng hai, chiến đấu bằng hai thì đất nước mới nhanh chóng được hòa bình, hạnh phúc lứa đôi khi ấy mới trọn vẹn… Bởi vậy, không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái, tình cảm của chúng tôi còn là tình đồng chí, đồng đội, sắt son bền chặt mà không cần phải nói bằng lời"- ông Mộc nói.
Kể về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Mộc không giấu nổi niềm xúc động. "Bắt đầu bước vào năm 1975, xưởng may của chúng tôi được giao nhiệm vụ may rất nhiều cờ để phát cho nhân dân vùng giải phóng treo trước nhà. Với mỗi người dân khi ấy, được treo lá cờ Tổ quốc là một niềm tự hào, xúc động rất lớn. Chẳng ai bảo ai, các chiến sỹ của xưởng may đều tích cực làm việc không kể ngày, đêm. Tất cả đều hướng tới về một ngày chiến thắng không xa của dân tộc mình. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi còn được giao thêm nhiệm vụ làm hậu cần phục vụ hướng Tây Bắc Sài Gòn. Người được giao nhiệm vụ may quần áo thì miệt mài tăng ca. Người được giao nhiệm vụ tiếp thuốc men, lương thực, thực phẩm ra chiến trường thì hăng hái lên đường… Khi ấy, mỗi chúng tôi đều làm việc bằng hai so với những ngày thường. Có ngày, cao điểm chúng tôi may được 5, 6 bộ quần áo. Trong xưởng may không một tiếng chuyện trò, ai cũng lặng lẽ theo dõi tình hình chiến dịch thông qua vài chiếc radio của những chiến sỹ người miền Nam được gia đình gửi cho. Với tôi, ngày đón nhận tin chiến thắng từ chiến trường cũng rất đặc biệt. Lúc đó, tôi đang đạp xe lên đoàn bộ để họp. Cái nắng đầu hạ khiến tôi cũng thấm mệt. Chiếc radio nhỏ xíu chợt phát tin Dương Văn Minh đã đầu hàng. Tôi nhảy ra khỏi chiếc xe đạp, dắt chạy vun vút hòa cùng dòng người nô nức. Cả đoàn người không ai bảo ai, đều nghẹn ngào, mắt dưng dòng lệ lặng nghe những bài bình luận, xã luận nhanh về chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả dòng người vỡ òa trong tiếng hô "Việt Nam muôn năm", "Việt Nam chiến thắng".
Sau chiến thắng lịch sử ấy, ông Mộc và bà Phấn tổ chức lễ cưới. Lễ cưới thời bom đạn ấy giản dị nhưng ấm áp nghĩa tình đồng đội. Năm 1976, cả hai vợ chồng thương binh Mộc xuất ngũ về địa phương mang theo cậu con trai đầu lòng. Về địa phương, những người lính năm xưa ấy bắt tay vào lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, ông Mộc còn tham gia vào Ban chấp hành Hội cựu chiến binh của xã, sau đó ông được tin tưởng giao làm phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp, rồi trưởng ban văn hóa xã… ở cương vị nào, ông Mộc cũng phát huy phẩm chất của anh bộ cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông tích cực sưu tầm từng câu chuyện hay, từng tấm gương sáng để tuyên truyền trên loa phát thanh cho mọi người cùng nghe. Trải qua bao sóng gió của cuộc đời, ông bà vẫn vượt qua, có lẽ là nhờ có tình yêu được ươm mầm và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh.
Đào Hằng