Là giáo viên giảng dạy môn Vật lý, ngoài hoàn thành trách nhiệm của một người giáo viên bộ môn, thầy Tú xác định rõ, công tác nghiên cứu khoa học trong các nhà trường cần phải liên tục được động viên, khuyến khích để mỗi học sinh có niềm đam mê, phát triển được năng lực của bản thân trong giải quyết các vấn đề thực tiễn như định hướng giáo dục hiện nay đang hướng tới và với các thầy, cô giáo là dịp được giao lưu học tập với các em học sinh, có thêm những kinh nghiệm trong giảng dạy để hoàn thiện nghề nghiệp bản thân. Do vậy, khi các em trình bày ý tưởng, thầy Nguyễn Mạnh Tú luôn là người đồng hành, động viên, phân tích, gợi mở và hoàn thiện thêm cho những ý tưởng đó được thực hiện.
"Năm học 2017-2018, được sự tin tưởng, động viên của Ban Giám hiệu, Tổ chuyên môn nhà trường, tôi đã tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học để tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia, nổi bật với 2 dự án: "Robot thí nghiệm hóa học" và "Hệ thống chấm bài thi trắc nghiệm khách quan". Trong quá trình hướng dẫn học sinh, tôi đã nỗ lực học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, nghiên cứu các tài liệu tham khảo để hướng dẫn, giúp đỡ các em biến ý tưởng thành hiện thực. Và niềm vui lớn đến với thầy và trò khi dự án "Robot thí nghiệm hóa học" đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh và đặc biệt xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc, tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sau đó Dự án được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, giấy chứng nhận của BTC Cuộc thi …" - thầy Nguyễn Mạnh Tú chia sẻ.
Theo 2 em Giang Quốc Hoàn và Đỗ Hữu Toàn - tác giả của dự án "Robot thí nghiệm hóa học", từ năm lớp 11 các em hình thành ý tưởng này và nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhà trường, các thầy, cô giáo và đông đảo bạn bè. Đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên bộ môn Vật lý, người đã đồng hành cùng các em trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện dự án. Chỉ có khoảng 6 tháng hoàn thiện dự án nên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục và một số chi tiết cần đầu tư hoàn thiện. Nên sau khi dự án đạt giải cao cấp quốc gia, thầy Tú tiếp tục động viên các em khi vào học tập tại trường Đại học, cần mở rộng ứng dụng trong các lĩnh vực mới như giải phẫu sinh học hay các lĩnh vực y khoa, nhằm nâng tầm sản phẩm, giúp thay thế con người giải quyết những công việc khó khăn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Là giáo viên trẻ giảng dạy môn Vật lý, không chỉ có trách nhiệm với bộ môn mình giảng dạy, phụ trách, giúp các em học tập môn học này với sự thoải mái, dễ hiểu nhất và đạt những điểm số từ trung bình trở lên trong các kỳ thi học kỳ đến kỳ thi cuối năm, thi THPT quốc gia; thầy Nguyễn Mạnh Tú còn tập trung cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, truyền lửa niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến các em học sinh. Bởi thầy Tú quan niệm, nghề dạy học như "tìm ngọc trong đá" - các em học sinh như những viên đá còn thô, phải được chọn lọc, mài giũa từ những viên đá quý để thành ngọc, từ đó ngọc mới tinh và tỏa sáng. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư về công sức, trí tuệ, tâm huyết của cả thầy và trò.
Với những thành tích đạt được trong công tác giảng dạy - là giáo viên dạy giỏi, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen năm học 2017-2018…; đặc biệt là những thành tích đạt được của các em học sinh phụ trách trong công tác nghiên cứu khoa học là bước khởi điểm, là động lực và tiếp thêm nghị lực cho thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú tiếp tục cống hiến, truyền niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các thế hệ học trò tiếp theo, tạo ra những sản phẩm giáo dục hoàn thiện hơn.
Mai Phương