Năm nay bước sang tuổi 60 nhưng ông Thành vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Nhắc tới đất và người Kỳ Phú, ông Thành kể vanh vách từng ngọn đồi, con suối, con cháu nhà ai, học ở đâu, làm gì, hoàn cảnh từng người ra sao? Hơn 1/3 cuộc đời gắn bó với nơi này, 35 km đường đèo, núi của xã ông thuộc như lòng bàn tay. Có lẽ vì vậy mà đồng bào Mường nơi đây (chiếm 80% dân số của xã) đã coi ông như là người thân trong dòng tộc.
Ông Đinh Phúc Thành sinh ra tại Phú Lộc (Nho Quan), lớn lên đi bộ đội, hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi về Kỳ Phú tham gia nhiều lĩnh vực công tác Đảng và chính quyền, đến nay đã được trên 22 năm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành không kể nhiều về mình mà thường nói đến những kỷ niệm trong những năm tháng gắn bó với miền đất này.
Một trong những kỷ niệm mà ông không thể nào quên là Một lần trên đường xuống bản, trời mưa khiến đường trơn trượt, ông Thành ngã, bị xe máy đè lên gãy cả chân, tay, không sao đứng lên được. Lúc đó, bà con đang làm nương rẫy gần đấy đã chạy ùa đến nâng xe rồi đỡ ông dậy, mở mũ bảo hiểm, khi nhận ra ông, họ liền thốt lên: "Ôi! thì ra là Bí thư nhà mình" (hồi đó ông là Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú)...
Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết thời gian qua Kỳ Phú có nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội, mà theo ông Thành có những cách làm "ngược" nhưng rất hiệu quả. Đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Năm 1993, Đại hội Đảng bộ xã Kỳ Phú lần thứ XIX đã xác định tập trung đầu tư cho giáo dục, chỉ có phát triển giáo dục mới giải quyết căn bản vấn đề xóa đói, giảm nghèo.
Ông Thành tâm sự: Trước đây tôi luôn nghĩ: ở miền xuôi người ta làm được nhà xây, trường xây... trong khi đó mình cũng có Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể... thì tại sao lại không làm được trường xây?... Nhưng xây trường cho cấp nào trước? Vẫn biết rằng "móng có chắc thì nhà mới vững".
Song ở vùng núi cao này, con em thường bỏ học giữa chừng, nhất là ở bậc THCS. Vì khi chuyển cấp, nhiều em phải đi học nhờ ở các xã lân cận, mà trường cũng chẳng ra trường, đường sá lại xa xôi... Do vậy, tôi nghĩ phải xây trường cấp 2 trước để chúng nhìn thấy trường đẹp mà yêu trường, yêu lớp và vươn lên học tập. Xã nghèo nên ban đầu tôi chỉ mong xây được ngôi trường cấp 4 để che nắng, che mưa. Nhưng lại nghĩ, nếu con trẻ đá bóng dễ làm ngói vỡ..., tôi quyết định vận động bà con dân bản đóng góp và tích cực tham mưu với các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí để xây trường cao tầng kiên cố.
Sau 4 năm xây dựng và nâng cấp, đến năm 2005, Trường THCS Kỳ Phú đã đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2001 - 2010). Đây là ngôi trường THCS thứ 2 trong huyện Nho Quan và thứ 5 trong tỉnh đạt danh hiệu này. Tuy vậy, trong cách làm trên tôi cũng nhận không ít những "phản ứng" từ nhiều người, vì họ cho rằng lẽ ra phải đầu tư xây dựng từ cấp mầm non đến tiểu học rồi mới tới THCS thì hợp logic hơn!... Có trường THCS khang trang, học sinh bỏ học giữa chừng ít hơn. Lúc này tôi nghĩ cần phải nâng cao chất lượng giáo dục, muốn vậy thì phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho Tiểu học, Mầm non. Trong khi đó, lúc bấy giờ nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc cho con em mình học theo độ tuổi ở mầm non. Mặt khác, xã còn nghèo nên không thể xây dựng trường cho cả 2 cấp cùng một lúc nên một lần nữa lại đành phải làm ngược... xây trường Tiểu học trước!
Đến bây giờ Trường Tiểu học Kỳ Phú đã đạt chuẩn quốc gia như nhiều người mong đợi. Đồng thời 2 khu trường Mầm non cũng đã được xây dựng cao tầng, kiên cố, phấn đấu đạt chuẩn trong năm học này (2008 - 2009). Đáng nói là, bây giờ người Mường ở Kỳ Phú đã cho con học đại học (toàn xã hiện có tới gần 100 cháu đang học ở các Trường đại học, cao đẳng trong cả nước). Không những thế, Kỳ Phú giờ đã có kỹ sư, bác sỹ, điều mà mấy mươi năm trước không ai dám nghĩ tới...
Chia tay ông Thành, chúng tôi không quên được lời tâm huyết: "Nếu một ngày bận rộn, không thể tới thăm các trường học được thì tôi luôn cảm thấy như thiếu vắng một thứ gì đó, thật khó tả... Tôi vẫn còn muốn làm nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Kỳ Phú. Điều tôi còn băn khoăn là làm thế nào để kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thực tế nhằm giảm bớt tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", tránh được lãng phí cho cả người dân và Nhà nước".
Mai Lan