Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1975, ông Mỹ xuất ngũ trở về địa phương. Làm nghề nông nhưng đồng đất quê hương chân chua chỉ phù hợp với cây thuốc lào, năng suất lúa thấp nên cuộc sống mưu sinh gặp nhiều khó khăn. Năm 1992, ông thuyết phục vợ con vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới. Sau 6 năm khó khăn, vất vả, không thay đổi được kinh tế gia đình, ông quyết định trở lại quê hương tìm hướng phát triển kinh tế. Đầu những năm 2000, trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Ông Mỹ đã cất công tìm đến nghiên cứu để học tập, làm theo. Được sự giúp đỡ của một người bạn quê ở Hà Tây là một trong những điển hình nông dân sản xuất nấm giỏi hướng dẫn, ông rất tâm đắc và quyết chí làm theo.
Ban đầu, khi bắt tay vào sản xuất, ông vẫn không khỏi bỡ ngỡ từ việc sử dụng đất đai, phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, mùn cưa, cách cấy giống, ủ giống, tưới ẩm, thời vụ… đến cả khâu thu hái, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với ý chí quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, ông ngày đêm mày mò tìm hiểu qua sách báo và lặn lội đi đến các nơi trong và ngoài tỉnh học tập thêm kinh nghiệm. Vốn ít, kinh nghiệm ít nên ông chỉ làm thí điểm 20-30m2 rồi dần dần thêm 50-70m2 lán trại. Do làm từng bước, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cho sản phẩm nấm đều, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngay vụ đầu ông đã thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Quyết tâm làm giàu từ nghề trồng nấm, năm 2013, ông mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư xây dựng 1.200m2 lán trại trồng các loại nấm sò, nấm mỡ, linh chi... và bắt đầu thực hiện liên hoàn từ khâu đóng gói phôi, sử dụng lò hấp, lò sấy, thu hái bảo quản để tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài huyện. Không chỉ dừng lại ở việc làm lò hấp sấy thủ công nhỏ lẻ, công suất thấp, năm 2014, ông Mỹ đã đầu tư xây dựng lò hấp, sấy bằng điện, công suất 4-5 tấn/ngày.
Nhờ đó, sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu đến thời gian thu hái không bị mốc, hỏng, chất lượng đảm bảo. Mặt khác, nấm là nguồn thực phẩm sạch, an toàn lại dễ tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế thu được cao. Doanh thu từ các loại nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, nấm mỡ, nấm rơm mỗi năm tăng từ 20-50 triệu đồng, tổng thu nhập ổn định từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Mỹ còn động viên nhiều hộ tham gia trồng các loại nấm. Ông Mỹ nhớ lại: Năm 2011, trên địa bàn xã, nghề trồng nấm mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ theo từng gia đình, nhận thấy cần có sự liên kết giữa các hộ để phát triển theo quy mô lớn hơn, đồng thời có sự giao lưu, trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông đã đề xuất với các hộ thành lập tổ hợp tác và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.
Đến năm 2015, HTX sản xuất nấm Khánh Vân được thành lập, Ông Mỹ là sáng lập viên và là Chủ tịch hội đồng quản trị HTX. Ngoài trồng nấm thương phẩm, ông còn sản xuất, cung cấp hàng vạn bịch phôi nấm cung cấp cho các hộ gia đình trong xã và các tỉnh lân cận, đồng thời nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất nấm trên địa bàn. Nhờ trồng nấm, ông Mỹ đã có kinh tế gia đình khá giả, trang trại nấm của ông còn tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng nấm của gia đình ông Phạm Văn Mỹ đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thùy Phương