Vài năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện Nho Quan, Cúc Phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đã xuất hiện các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn đã qua, đồng chí Chủ tịch UBND xã Đinh Thúc Chiến cho biết: Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2002 là 49%), lại xa trung tâm tỉnh lỵ nên Cúc Phương đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cả các tổ chức quốc tế… Điều đó đã tạo động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên. Để thoát khỏi đói, nghèo, xã xác định một mặt phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, mặt khác bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xác định phải làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Xã đã mạnh dạn chuyển 150 ha trong tổng số 450 ha đất canh tác là những khu vực vùng vũng để trồng cây công nghiệp, thay thế một số cây có giá trị kinh tế không cao. Diện tích còn lại tập trung vào trồng lúa, ngô với 70% diện tích là các giống mới. Đến nay, thu nhập từ các hộ gia đình trồng mía đã đạt từ 20 - 25 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt mức 30 - 45 triệu đồng/ha, đưa giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của xã đạt mức 23 triệu đồng/năm. Kết quả phát triển kinh tế ở Cúc Phương mấy năm nay còn thể hiện ở chăn nuôi, trong đó nuôi con đặc sản. Từ một số mô hình của gia đình cán bộ, đảng viên, đến nay toàn xã có 30% số hộ nuôi con đặc sản, cho giá trị kinh tế cao như: hươu, dê, nhím, ong. Đối với các hộ nghèo cũng được tạo điều kiện vốn vay, chuyển giao KHKT, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất… Nhiều hộ nghèo đã tổ chức mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ như nuôi 1 cặp nhím, 1 con hươu… Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 400 con hươu, 900 con dê, 300 đàn ong… Kết quả bước đầu từ nuôi con đặc sản đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của bà con các dân tộc Cúc Phương, nhưng hiện tại cung chưa đáp ứng đủ cầu. Đó cũng là cơ sở để xã từng bước mở rộng và phát triển quy mô nuôi con đặc sản ra diện rộng.
Cùng với những khởi sắc trong lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân địa phương. Từ năm 2005 đến nay, với việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã xây dựng được trạm y tế, trường mầm non, trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Trường THCS đang được đầu tư xây dựng theo mô hình đạt chuẩn, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2010. Về Cúc Phương hôm nay, đường vào các thôn, bản đã được bê tông hóa. Việc học tập của con em người dân tộc thiểu số, mà phần lớn là người dân tộc Mường đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt 70%, phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân dân đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều gia đình người dân tộc Mường đã quan tâm đầu tư, chăm lo cho việc học hành của con cái, có những gia đình có từ 2-3 con học đại học, năm vừa qua, toàn xã có 16 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Cùng với các chính sách và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người Mường ở Cúc Phương hoàn toàn có quyền tự hào về những thành quả mà họ đã nỗ lực vượt khó để đạt được. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 30,28% (2007) xuống còn 15-16% (2009).
Bùi Diệu