Thoạt nghe, tôi vẫn nghĩ mình đang nghe một câu chuyện cổ tích ở đâu đó... Nhưng đó là nghị lực phi thường của người phụ nữ tên là Đỗ Thị Lan ở xóm Dinh, thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư. Gia đình bà cũng là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh.
Cùng các bác trong Hội Khuyến học xã Ninh An tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà Đỗ Thị Lan, phải chờ một lúc, bà Lan mới tất tả về mở cửa. Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà chẳng có lấy một đồ đạc gì đáng giá, bà Lan khá hồ hởi khi biết ý định của cuộc viếng thăm của chúng tôi. Cùng đi với chúng tôi, bác Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, cũng là một người họ hàng của bà Lan cho biết: Bà ấy khổ và vất vả từ thời còn trẻ. Lấy ông chồng luôn ốm yếu nên ngoài thời gian làm công nhân ở Công ty Phân lân Ninh Bình, về nhà mọi việc đồng áng, chợ búa, chăm sóc con cái... đều một tay bà đảm đang. Những vất vả của cuộc sống mưu sinh hàng ngày với nhiều người khác có khi là những khó khăn tưởng chừng khó thể vượt qua, nhưng với bà Đỗ Thị Lan, những vất vả ấy chưa "thấm" vào đâu so với những nỗi đau, mất mát mà bà bất ngờ phải gánh chịu. Bà Lan vẫn nhớ: Đó là năm 2009 khi chồng tôi đột ngột mất vì tai nạn giao thông. Khi còn sống, dù ông nhà tôi có yếu ốm hơn so với những người bình thường nhưng ông ấy có thể đỡ đần tôi trông nhà cửa, đưa đón 2 cô con gái đi học hàng ngày...
Khi ông ấy mất đi, căn nhà trống trải hơn vì thiếu đi trụ cột trong gia đình, ảnh hưởng tới tâm lý của hai cô con gái đang tuổi đi học. Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai, một lần nữa "ông trời" lại tiếp tục thử thách nghị lực của người phụ nữ đảm đang này khi bà đi khám bệnh và xét nghiệm, nhận kết quả bị ung thư vú. Thời điểm đó, 2 cô con gái đều đang học đại học và không ở gần mẹ.
Một mình cắn răng chịu đựng những cơn đau đớn do căn bệnh hiểm nghèo hành hạ hàng đêm, những cơn mất ngủ triền miên vì suy nghĩ, nhưng nghĩ đến bệnh tật của bản thân thì ít, mà nghĩ đến tình huống chẳng may mẹ mất sớm, việc học hành của hai con gái sẽ ra sao? Khi đó, đồng lương về nghỉ chế độ mất sức của bà được 1,5 triệu đồng. Nếu không ốm đau, số tiền ấy đủ để bà chu cấp cho hai cô con gái ăn học tại Hà Nội hàng tháng. Nhưng khi bệnh tật ập đến, dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng nhiều khoản thuốc men, ăn uống, đi lại... khiến số tiền ấy không đủ.
Nén chặt những đau đớn do bệnh tật mang lại, cứ từ viện về là bà Lan lại xắn tay vào chăm sóc con gà, con vịt, tần tảo bên chiếc máy xay sát phục vụ bà con trong xóm, trong thôn... để có thêm thu nhập vừa để chữa bệnh cho mình, vừa để chu cấp cho 2 con ăn học.
Điều mà bà Lan luôn phấn khởi và là động lực để bà nỗ lực vượt qua đau đớn của bệnh tật và khó khăn của cuộc sống mưu sinh hàng ngày chính là 2 cô con gái. Ngay từ khi còn nhỏ, cả hai cô con gái Đào Thị Thu Hà và Đào Thị Lâm đã chăm ngoan, học giỏi. Điều kiện gia đình khó khăn nên cả 2 cháu đều có ý thức học tập rất cao, ngoài giờ lên lớp, việc rèn luyện, tự học tại nhà được duy trì rất tốt nên hầu như gia đình không tốn tiền để các con đi học thêm.
Đến khi cô con gái cả Đào Thị Thu Hà thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội và cô út đỗ trường Học viện Ngoại giao, dù mỗi tháng mẹ chỉ gửi cho 1 triệu đồng cho cả 2 chị em tiêu chung, nhưng chưa bao giờ các em phàn nàn hay ý kiến gì mà luôn chịu khó học tập, đi gia sư để có thêm kinh phí đỡ đần mẹ. Thời điểm bệnh nặng, phải đi viện để điều trị liên tục chính là quãng thời gian bà Lan phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người ngoài vì đồng lương hưu chỉ đủ để lên Hà Nội điều trị hàng tháng.
Thông qua sự giúp đỡ và giới thiệu của sư thầy ở chùa Đông Trang, cô con gái út Đào Thị Lâm đã nhận được sự giúp đỡ của một hội phật tử ở Hà Nội để có thêm điều kiện học tập. Dù mỗi tháng khi nhận được 5 trăm nghìn đồng hoặc 7-8 trăm nghìn đồng... So với mức chi tiêu, sinh hoạt ở thủ đô của một sinh viên là không đủ, nhưng do biết "liệu cơm gắp mắm" nên cả 2 chị em đã vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt để vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Khi chúng tôi đến thăm, niềm vui dường như tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ của bà Đỗ Thị Lan. Bà phấn khởi cho biết: Cô con gái Đào Thị Thu Hà sau khi tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Hà Nội đã được nhận vào công tác tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội, đã lập gia đình. Cô con gái út Đào Thị Lâm, vừa tốt nghiệp loại giỏi Học viện Ngoại giao, thi tuyển thành công vào nhiều đơn vị nhưng em đã chọn vào công tác tại Kênh 24, Đài Truyền hình Việt Nam.
Dù biết chặng đường phía trước cần nhiều nỗ lực của hai con gái, nhưng thành công bước đầu của con cái đã trở thành niềm hạnh phúc, động lực để bà Lan quên đi nỗi đau của bệnh tật. Cầm túi thuốc để ở ngăn bàn, bà Lan cười bảo: Giờ tôi vẫn đang uống thuốc điều trị, đây là đợt thứ 3 uống viên hóa chất, khối u đã di căn vẫn gây luôn đau nhức... Nhưng giờ thì tôi mãn nguyện lắm rồi, nếu có chết cũng an lòng vì đã nuôi con cái học hành thành đạt.
Nhìn nụ cười, đôi mắt lấp lánh niềm vui của bà, chúng tôi đều vui nói: Hai cô con gái học giỏi và thành đạt như thế, có khi khối u của bác cũng vì niềm vui ấy mà biến mất rồi ấy chứ... Tận đáy lòng, chúng tôi đều mong, bà mau khỏi bệnh, để được tận hưởng những ngày tháng cuối đời sống vui vẻ, hạnh phúc trong niềm vui con cái thành đạt.
Phan Hiếu