Về xã Đông Sơn, chúng tôi được người dân kể nhiều về anh Phạm Trọng Thủy - người đầu tiên trồng hoa mai ở vùng đất cằn này. Đến thăm vườn mai với tất cả sự tò mò, háo hức, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ là những cây khô như … cành củi.
Trước ánh mắt khá… thất vọng của khách, anh Thủy mỉm cười dẫn chúng tôi đến từng gốc, chỉ những nụ mai li ti đang bật lên trên thân cây xù xì, anh Thủy bảo: Trông xơ xác vậy thôi, nhưng mấy hôm nữa hoa nở sẽ đẹp lắm. Mỗi mầm sẽ có từ 4-5 bông hoa. Hoa sẽ ra kín, không còn nhìn thấy cành. Đây là giống hoa mai Yên Tử. Hoa này không chỉ khoa sắc rực rỡ mà còn lưu lại mùi hương rất thơm.
Những cây mai đầu tiên này được anh Thủy đưa về trồng từ hơn chục năm trước với mục đích chỉ là trồng… thử nghiệm. "Tôi nghe kể nhiều về mai Yên Tử (Quảng Ninh) nên đã tới tận các nhà vườn thăm quan. Phải nói rằng đây là loại hoa rất đặc biệt, đẹp và rực rỡ không thua gì hoa mai phía Nam, nhưng lại có một đặc điểm riêng là hương thơm rất lạ. Tôi như bị mê hoặc bởi loài hoa này và quyết định sẽ đưa giống mai Yên Tử này về trồng tại vườn nhà. Ngoài mai Yên Tử, tôi cũng đưa về trồng hơn một chục gốc hoa mai của miền Nam"- anh Thủy kể.
Trồng hoa mai không nhanh được thu hoạch như đào. Nếu như trồng hoa đào thì chỉ sau 3 năm nhà vườn đã có thể bán thì hoa mai phải mất hàng chục năm. Mặt khác, hoa mai hợp với thời tiết ấm áp, trong khi đó thời tiết miền Bắc lại rất lạnh vào mùa đông. Bởi vậy, người trồng vừa phải có kiến thức, vừa phải sáng tạo để có kỹ thuật chăm sóc cây mai phù hợp nhất.
Từ năm ngoái, cây mai của anh Thủy đã bắt đầu cho hoa, nhưng chưa đều bông. Anh Thủy thử nghiệm chăm sóc vài chậu để cho thuê vào dịp Tết. Thực tế cho thấy, tuy còn ít bông song hoa mai vẫn rất đẹp, rực rỡ, hoàn toàn có thể phát triển ở miền đất Đông Sơn này. Hoa nở đều, đẹp và chơi được khá lâu. Nhiều người đến vườn mua đào đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi có thể ngắm mai vàng ở vùng đất này. Anh Thủy cho thuê từ 2-3 triệu đồng/chậu để các gia đình chơi vào dịp Tết nguyên đán.
"Mai có sức sống mãnh liệt. Khi được chăm sóc, cây lại hồi sinh, cành mọc lên thành dáng, thành thế đẹp. Năm nay, những gốc mai này đã được tròn chục tuổi, tôi có kế hoạch ủ để mai ra đúng dịp Tết. Ngay từ đầu năm, tôi chăm sóc và lên chậu hơn 30 cây. Hiện nay, cây đã được tuốt lá và đã bắt đầu bật mầm. Nếu thời tiết lạnh, tôi phải che chắn để giữ ấm cho cây. Dự kiến, vào giữa tháng 12 âm lịch cây sẽ ra hoa để phục vụ khách. Hơn 30 chậu hoa năm nay đều đã có khách đặt mua hoặc thuê. Mỗi chậu mai bán với giá khoảng 10 triệu đồng. Còn thuê thì sẽ có giá từ 2-3 triệu đồng/cây"- anh Thủy phấn khởi cho biết.
Không chỉ là người đầu tiên đưa mai về trồng, anh Phạm Trọng Thủy còn nổi tiếng là người có thâm niên trong trồng đào phai. Hơn 3 mẫu vườn, hiện nay Thủy đang sở hữu hơn 1000 gốc đào. Trong đó, có nhiều cây đã được 10 năm tuổi, còn lại chủ yếu là các gốc đào trên 3 năm tuổi.
Những ngày này, bên cạnh việc chăm sóc các chậu mai vàng, anh Thủy cũng huy động nhân lực trong gia đình tuốt lá để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Theo anh Thủy, năm nay nhuận, tiết lập xuân sẽ vào trước Tết Nguyên đán, bởi thế mà đào được dự đoán là sẽ ra hoa đúng dịp mà không cần phải can thiệp nhiều về kỹ thuật.
Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình anh Thủy trồng sắn, chè tại diện tích đất này. Tuy nhiên, vì không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên năng suất cây trồng không cao. Có năm hạn hán còn mất trắng.
"Năm 2005, tôi chuyển sang trồng cây đào phai để cung cấp hoa vào dịp tết. Trồng đào không vất vả, thu nhập lại cao hơn hẳn các cây trồng khác vì thế mà tôi gắn bó đến tận bây giờ. Ngoài bán, tôi còn nhận chăm sóc cây cho các gia đình gửi lại vườn với giá từ 1,5-2 triệu đồng/cây. Đào phai ngày càng được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác ưa chuộng và tìm đến tận nhà vườn để đặt mua. Có năm hoa đẹp, được giá, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ đào, đời sống kinh tế cũng được cải thiện rất nhiều"- anh Thủy phấn khởi cho biết.
Đào Hằng- Minh Quang