Lớp học ở khu lẻ của của cô và trò Trường Mầm non xã Văn Phú đặt tại thôn Thành Bắc. Đó là dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp, nhưng vẫn được tận dụng để làm lớp học. Do cả khu lẻ chỉ có 2 phòng học rộng chừng 30m2, nên trường không thể tổ chức học bán trú cho trẻ, dù tại đây đang tiếp nhận các cháu từ 1-3 tuổi, rất cần được học bán trú.
Gắn bó với khu lẻ của Trường mầm non Văn Phú được 7 năm, cô giáo Trần Thị The hiện phụ trách 30 cháu từ 3-4 tuổi. Cô The cho biết: Do thiếu phòng học nhiều năm, nên trẻ em xã Văn Phú, nhất là lứa tuổi mẫu giáo đều phải học ở những lớp tạm. Chưa hết, cũng vì thiếu phòng học nên các cháu phải học ghép lớp, gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và giáo dục. Lớp học không có tường bao, cổng kiên cố, nên nhà trường cũng không dám mua sắm đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu. Chủ yếu, các cháu chơi những món đồ chơi do các cô tự làm.
ở tạm, học tạm trong nhiều năm, nên các phòng học ở khu lẻ dù đã xuống cấp nhưng trường cũng không biết làm gì hơn. Mỗi năm học mới, với sự đóng góp của phụ huynh, trần nhà cũng được căng bạt. Nhưng trời cứ mưa to là lớp học lại dột, cô trò dắt díu nhau chạy các góc. "Chúng tôi thường theo dõi thời tiết. Nếu thấy trời mưa kèm theo gió lớn thì cho trẻ nghỉ hoặc nhắc phụ huynh đón trẻ sớm"- cô The kể. Cạnh lớp cô giáo The là lớp có 14 trẻ từ 1-3 tuổi, các cháu còn nhỏ, nhiều cháu mới đi học, chưa quen lớp nên khóc nhiều, đã thế phụ huynh phải đưa đón con ngày 2 chiều nên cũng vất vả.
Điểm trường chính được đặt tại thôn Phú Lâm, thôn đông dân cư nhất của xã Văn Phú. Diện tích khuôn viên điểm trường này rộng khoảng trên 3.000 m2. Trước đây, các phòng học ở điểm trường này cũng được tận dụng lại. Đến năm 2009, xã Văn Phú đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng một dãy phòng học 2 tầng gồm 4 phòng học và ưu tiên cho trẻ lớp 5 tuổi. Hiện nay, tổng số trẻ tại điểm trường này là hơn 300 cháu, như vậy mỗi lớp học có đến hơn 70 cháu. Số lượng trong một lớp đông như vậy rất khó khăn trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho các cháu.
Cô Đinh Thị Hạ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Phú cho biết: Với lượng học sinh đông nên mỗi hôm có giờ học tạo hình, các cô phải đưa trò ra ngoài sân mới có đủ chỗ học. Còn đến giờ ngủ trưa, chúng tôi phải mượn phòng bên cạnh cho các con ngủ vì phòng quá chật. Thiết bị dạy học thì các cô có thể khắc phục được và đảm bảo. Nhưng đồ chơi ngoài trời, phục vụ vui chơi cho trẻ thì không điểm trường nào có sân chơi đủ 5 loại đồ chơi. Vì là điểm trường chính nên phòng Ban giám hiệu cũng được đặt tại đây. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo viên cũng thiếu thốn đủ bề. Phòng họp chuyên môn - vốn là nhà ăn nay trở thành phòng làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán.
Theo ông Bùi Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú, xã có 14 thôn. Các thôn cách điểm chính của Trường Mầm non chỉ chừng 2 km. Song, do điểm trường chính thiếu lớp nên các cháu trong độ tuổi mẫu giáo của xã phải đi học tại 3 điểm lẻ. Các điểm lẻ này lại chưa tổ chức học bán trú được cho các cháu, chính vì vậy việc huy động trẻ đến lớp trong thời gian qua cũng giảm, ở lứa tuổi nhà trẻ tỷ lệ này chỉ đạt gần 50%, lứa tuổi mẫu giáo đạt gần 90%.
Theo kế hoạch được giao, Trường Mầm non Văn Phú phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12-2014. Để thực hiện được mục tiêu này, từ đầu năm, huyện Nho Quan đã đầu tư cho nhà trường xây dựng dãy nhà 2 tầng gồm 6 phòng học. Đến nay, dãy nhà đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn thiếu một số hạng mục như sơn, hệ thống cửa, điện... Tuy nhiên, đối chiếu với tiêu chí chuẩn quốc gia thì nhà trường còn vẫn còn thiếu 2 lớp học, chưa kể các hạng mục quan trọng khác như: khuôn viên sân chơi, phòng hiệu bộ, phòng y tế học đường…
Hiện, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm, xã Văn Phú đang ra sức để trường Mầm non của xã hoàn thành các tiêu chí chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thường, nếu hoàn thiện được các hạng mục còn lại thì sẽ mất gần 5 tỷ đồng, quá sức đối với một xã nghèo như Văn Phú. Giải pháp trước mắt là kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho xã. Hiện đã có doanh nghiệp Hoàng Thành nhận đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại cho nhà trường. Dãy phòng học đã được khởi công xây dựng. Nhưng đó cũng là điều làm xã lo lắng. Vì về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ tạm ứng tiền tổ chức xây dựng, sau khi điểm trường hoàn thành, xã sẽ phải hoàn trả khoản tiền doanh nghiệp đã đầu tư, lên tới 5 tỷ đồng. Nhưng dù nhân dân, các bậc phụ huynh đã nhiệt tình tham gia ủng hộ, thì đến nay tổng số tiền ủng hộ cũng mới là 20 triệu đồng. Để đạt tiến độ kiểm tra công nhận chuẩn quốc gia vào tháng 12-2014 và quan trọng là tạo điều kiện cho trẻ được học tập trung trong một môi trường tốt hơn, xã Văn Phú rất cần có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm để con em trong xã sớm được học tập trong ngôi trường mới khang trang, đầy đủ trang thiết bị theo yêu cầu.
Bài, ảnh: Đào Hằng