Đặc biệt, bám sát tinh thần chỉ đạo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó hướng dẫn việc thực hiện cách ly toàn xã hội. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng, quán bar, karaoke, quán bia hơi…; thực hiện cách ly tòan xã hội từ ngày 1 đến hết ngày 15/4…
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố luôn nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc", chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với mọi tình huống. Các đơn vị làm nhiệm vụ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; kiên trì các nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đó là những động thái kịp thời, quyết liệt để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngay trong những ngày đầu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid, dù chính quyền địa phương đã liên tục phát loa lưu động, đến từng ngõ phố, gõ cửa từng gia đình tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến từng người dân, bên cạnh những người dân có ý thức tuân thủ chấp hành thì vẫn còn một số người dân chủ quan, lơ là phòng dịch.
Điển hình như tại đường Lý Thái Tổ, phường Thanh Bình, hay dưới gầm cầu vượt Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), người dân vẫn rủ nhau tụ tập chơi cờ. Có nơi người lao động ngồi túm năm tụm ba bàn tán, chuyện trò. Điều đáng nói là họ không hề có ý thức đeo khẩu trang phòng dịch.
Ông Phạm Văn Minh (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) một trong những thành viên trong nhóm chơi cờ cho biết: anh em chúng tôi đều là hàng xóm láng giềng, ngày nào chả chơi cờ với nhau, có đi đến đâu ra khỏi nhà, mà chỗ chúng tôi chưa có ai bị nhiễm dịch bệnh nên cũng không phải lo lắm.
Anh Lê Văn Thắng, một công nhân đi làm thuê tại thành phố Ninh Bình cho biết: anh biết tất cả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, của địa phương về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, như việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người... nhưng vì miếng cơm manh áo, anh vẫn cố gắng đi làm, công việc nặng nhọc đeo khẩu trang lúc làm việc rất khó thở, nên khi làm anh thường bỏ khẩu trang ra và chỉ đeo khi ra ngoài chỗ làm.
Có thể thấy, một bộ phận người dân vẫn còn rất chủ quan, lơ là với dịch Covid -19, mặc dù họ biết các khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng vẫn không thực hiện. Thiết nghĩ, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, công cuộc chống dịch Covid -19 không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, mà còn rất cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân.
Công cuộc này không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm việc hay cống hiến quá nhiều, mà thực tế chỉ là bằng những việc làm giản đơn như: không ra đường khi không thật cần thiết; hoãn lại thú vui hàng ngày; nhắc nhở lẫn nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…
Nếu toàn dân không thật sự đồng lòng, cùng cam kết thực hiện, tuân thủ các biện pháp chống dịch từ những việc làm đơn giản đó, thì sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Vì vậy, trong thời gian tới, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh, nên tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân trước dịch bệnh, để từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch; từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng chống dịch" như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện triệt để và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, cũng như không để tái diễn các vi phạm như thời gian qua.
Bài, ảnh: Ân Nghĩa - Trần Đức