Sinh năm 1942, học xong Trung cấp Nông nghiệp, ra đi làm rồi lại học thêm kế toán và quản lý kinh tế, làm việc trong nhiều lĩnh vực. Cuối cùng ông trở về quê nhà và gắn bó với công tác của HTX từ những năm 1991, qua gần 20 năm làm việc, nay ông Cợi đã gần vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy", muốn về nghỉ ngơi vui vầy với con cháu, nhưng khổ nỗi bà con, nhân dân ai cũng tín nhiệm, yêu quý không cho ông nghỉ. Thế là hằng ngày với chiếc xe máy cũ, ông vẫn rong ruổi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, theo dõi sát sao từng mảnh ruộng, khóm lúa, hễ thấy sâu bệnh, chuột hại hay có sự phát triển bất thường nào đó là ông tìm biện pháp xử lý ngay, nên từ khi ông làm chủ nhiệm đến giờ chưa bao giờ để xảy ra dịch bệnh lớn, năng suất lúa của HTX Trung Bãi Trữ luôn đạt mức cao trong huyện Hoa Lư.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông kể về cái thời gian ông mới nhận nhiệm vụ: HTX khó khăn chồng chất, toàn bộ những gì ông được bàn giao lại là 30 triệu đồng tiền vốn mà phần lớn số vốn này lại tồn đọng ở trong dân, thêm vào đó là một trạm điện đã bị cháy cần được sửa chữa. Để khắc phục tình trạng này, trước hết ông tập trung vào cải tạo hệ thống lưới điện và cách quản lý điện, từ đó giảm thất thoát điện năng. Thông thường mức thất thoát điện năng khoảng 20% thì nay ông đã làm giảm xuống chỉ còn 9-10% nên mỗi vụ, từ việc kinh doanh điện HTX thu về 60-70 triệu đồng. Từ nguồn lãi đó ông lại đầu tư trở lại cải tạo đường dây, xây mới thêm 2 trạm điện nhằm rút bớt khoảng cách từ trạm đến hộ sử dụng. Thời gian tiếp theo khi Nhà nước đổi mới chính sách cho phép các HTX đứng ra làm dịch vụ thì HTX đã làm đủ các khâu dịch vụ, từ giống, phân bón, làm đất, thủy lợi đến bảo vệ đồng ruộng. Riêng dịch vụ phân bón, hàng năm HTX cung ứng hàng trăm tấn cho bà con, nhờ ký hợp đồng với nhà máy nên bà con xã viên luôn có nguồn phân đảm bảo chất lượng, giá rẻ để sử dụng, đồng thời HTX cũng có thêm nguồn thu phục vụ cho tu sửa kênh mương, trạm bơm, đường giao thông nội đồng và nhiều hoạt động khác.
Ông luôn tâm niệm rằng: Phải tìm mọi cách để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nhân dân, muốn vậy thì phải nhanh nhạy trong quản lý kinh tế, nên ông luôn trăn trở, nên sử dụng giống nào, phân bón gì, bón như thế nào, tưới nước ra sao để có thể tiết kiệm được chi phí. Nhờ đó, việc đóng góp của người dân được giảm bớt, mức thu của HTX lúc nào cũng ở mức thấp so với nhiều nơi khác mà vốn của HTX năm nào cũng có sự tăng trưởng.
Bên cạnh sự nhanh nhạy trong quản lý, ông Cợi còn là một người có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt. Việc xác định thời vụ gieo cấy luôn được ông tính toán rất sát nên chưa bao giờ HTX phải xử lý lúa trỗ sớm. Theo ông, vụ chiêm thì phải cấy đúng lịch, không thể vội vàng gieo mạ sớm được nhưng sang vụ mùa thì cấy càng sớm lại càng tốt vừa đỡ gió bão lại thoải mái thời gian làm cây vụ đông. Ngoài ra cũng phải nắm chắc quy luật diễn biến của thời tiết để có những điều chỉnh phù hợp. Nhờ những cống hiến của ông nên nhiều năm liền ông được UBND tỉnh, huyện khen thưởng, năm 2000 ông được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng HTX.
Nguyễn Lựu - Đức Lam