Trại lợn của chị Mai Thị Lan, thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) hiện có 3 con lợn nái và hơn 20 con lợn thịt. Số lượng đàn lợn đã giảm hơn một nửa so với trước đây do ảnh hưởng của đợt bão giá năm 2017. Thời điểm này, tuy giá lợn hơi đã tăng trở lại, song, tình hình dịch bệnh lại phức tạp, nên gia đình chị Lan vẫn chưa dám tăng đàn.
Chị Lan cho biết: Thời gian gần đây, gia đình đặc biệt chú trọng đến công tác phòng dịch. Toàn bộ khu vực chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc đều được tiêu độc khử trùng thường xuyên; công tác tiêm phòng thực hiện đầy đủ, đúng lịch.
Ngoài ra, đàn lợn cũng được cho ăn với chế độ dinh dưỡng tốt hơn và thường xuyên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng. "Mặc dù vậy, tôi cũng không khỏi lo lắng bởi nghe trên thời sự cũng như thông báo của thú y xã thì dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam. Trong khi đó, loại bệnh này lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết lên tới 100% và đến nay chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng ngừa", chị Lan tỏ vẻ bất an.
Áp lực dịch bệnh đối với những trang trại quy mô lớn còn nặng nề hơn nhiều. Theo ông Phạm Văn Chính, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh: Trang trại đang nuôi 100 con lợn nái và trên 500 con lợn thịt. Công tác phòng, chống dịch bệnh được gia đình đặt lên hàng đầu.
Ngoài tiêm phòng đầy đủ vắc - xin, phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực nuôi và phương tiện ra vào, chúng tôi thực hiện kiểm soát chặt chẽ người ra vào trại, các phương tiện chở cám, xe mua bán lợn đều phải để ở ngoài khu vực trại.
Đặc biệt, ông Chính thường xuyên theo dõi thông tin dịch bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời. Tuy nhiên, theo ông Chính, để đảm bảo cho hoạt động chăn nuôi chung trên địa bàn, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn phương tiện chở con giống, thức ăn từ vùng dịch vào địa bàn.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do vậy biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tăng cường khử trùng tiêu độc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn.
Hiện nay, Chi cục đã thành lập các đội cơ động đi kiểm tra tại các tụ điểm buôn bán, giết mổ lợn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi, buôn bán và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đó có biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Chỉ đạo chuyên môn các cấp giám sát chặt tình hình dịch bệnh để báo cáo và xử lý kịp thời khi phát hiện dịch.
Ngoài ra, Chi cục đang đề xuất để UBND tỉnh cho thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại các điểm cầu Non Nước (thành phố Ninh Bình), Dốc Xây (thành phố Tam Điệp) và cầu Gián Khẩu (huyện Gia Viễn), bố trí lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và lực lượng liên quan để kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Hà Quốc Thịnh, thời điểm này, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống. Đặc biệt, phải thực hiện triệt để các yêu cầu cách ly, nhất là con người, các phương tiện vận chuyển thức ăn, vận chuyển lợn, không để tiếp xúc gần trại. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để có phương án xử lý.
Minh Đường