Ông Lưu tâm sự: Sinh ra, lớn lên ở bản Vóng, vì thế tôi hiểu rất rõ về đất và người nơi đây. Đất đai ở vùng cao này tuy rộng nhưng không mấy phì nhiêu, trong khi đó trình độ canh tác còn lạc hậu, mùa màng luôn thất bát, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tôi nghĩ phải làm thế nào để thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình.
Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê rồi lập gia đình và bắt tay vào thực hiện những dự định mà mình ấp ủ bấy lâu. Từ việc cấy cày, gặt hái đến chăn thả gia súc, gia cầm... tôi đều tham khảo sách báo, vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để nuôi trồng sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Cuộc sống gia đình từng bước thoát khỏi khó khăn, nghèo đói.
Năm 2001, tôi tham gia công tác Đoàn ở xã, vì thế, tôi đã học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất từ môi trường công tác này. Để tận dụng đồng cỏ, tôi đã vận động gia đình và bà con nuôi trâu, bò... Nhưng sau này đồng cỏ bị thu hẹp, dịch bệnh nhiều, tôi nhận thấy không thể làm giàu bằng cách này được nữa. Thế là tôi quyết định chuyển hướng sang nuôi con đặc sản, đó là hươu và nhím....
Năm 2005, ông đã quyết định bán toàn bộ số trâu, bò của gia đình để mua 1 đôi hươu, trị giá 10 triệu đồng. Ông Lưu đã động viên vợ con làm chuồng trại chắc chắn, tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho hươu, suy nghĩ chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật thì không có lý gì mà hươu chết được. Một năm sau, cặp hươu đó đã cho nhung, bán được 10 triệu đồng. Điều đó đã khích lệ gia đình ông tin tưởng, tiếp tục đầu tư nuôi hươu. Đến nay gia đình ông đã có 27 con hươu. Ngoài nuôi hươu để lấy nhung, ông Lưu còn gây giống để bán (1 con hươu giống 1 năm tuổi có thể bán từ 7-10 triệu đồng).
Khi đã có kinh nghiệm nuôi hươu, ông Lưu lại tiếp tục đầu tư nuôi nhím, nuôi ong. Đồng thời kết hợp trồng ngô, khoai, sắn để phục vụ chăn nuôi… Với 0,5 ha vườn nhà, ông Lưu trồng đủ các loại củ, cỏ làm thức ăn dự trữ cho hươu, nhím, phòng khi trời mưa to, gió lớn. Hiện nay, tổng vốn đầu tư vào trang trại của ông Lưu đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Bình quân mỗi năm thu thập từ chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông đạt trên 85 triệu đồng. Nhờ vậy, các con ông đều được học hành chu đáo và trưởng thành.
Không chỉ có gia đình ông Lưu mà ở vùng cao Kỳ Phú này, đã có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm và đầu tư vào nuôi hươu, nuôi nhím, dê, ong... Đây là cơ sở để hình thành một vùng chuyên sản xuất sản phẩm cây, con đặc sản. Song, những sản phẩm này, đặc biệt là nhung hươu của Kỳ Phú vẫn chưa thực sự gây được thương hiệu trên thị trường, giá cả luôn thấp hơn nơi khác trong vùng. Làm thế nào để Kỳ Phú xây dựng được thương hiệu sản phẩm nhung hươu, đó là điều mà ông Lưu và nhiều nông dân khác trong xã còn trăn trở.
Ông Đinh Văn Lưu hiện là cán bộ Văn phòng UBND xã Kỳ Phú. Ông luôn đem hết khả năng và lòng nhiệt tình của mình xây dựng các phong trào của bản, của xã, nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo. Ông đã tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm để phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cho bà con quanh vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Ông đúng là người cán bộ Mường dám nghĩ, dám làm.
Bài, ảnh; Đức Nghĩa