Chị Mai Thị Huyền ở xóm 1, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) trước đây chỉ biết đến công việc đồng áng, thời gian nông nhàn chị cũng thử xoay sở vài nghề thêu thùa, đan lát nhưng cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng vì sản phẩm làm ra hầu như không biết tiêu thụ ở đâu. Cách đây hơn 1 tháng, Hội Nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề đan cói ngay tại xóm, cũng vẫn là nghề các chị đã thử làm nhưng giờ ai cũng hào hứng và tràn đầy hy vọng. Vừa đan cói, chị Huyền vừa giải thích: Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều vì tham gia lớp học được hỗ trợ trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên liệu và sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cói, đặc điểm và tính chất cơ bản của nguyên liệu cói, công dụng, cách sử dụng các loại dụng cụ thủ công trong nghề đan cói, lựa chọn nguyên liệu phù hợp với từng loại sản phẩm…. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được cấp nguyên liệu cói, dao, kéo để trực tiếp thực hành các sản phẩm cụ thể như: đan cói hộp, cói bộ ba... Đặc biệt, chỉ sau khoảng 1 tháng chị Huyền và hơn 20 học viên khác của lớp đã có thể tự làm ra cho mình những sản phẩm từ cói. Sau khóa học này, các học viên sẽ được cấp giấy chứng chỉ học nghề và các sản phẩm làm ra sẽ được doanh nghiệp Thành Hóa thu mua toàn bộ. Với những chương trình dạy nghề tới tận các thôn xóm như thế này, trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã trực tiếp tổ chức 39 lớp dạy nghề cho hơn 1.300 người với tổng kinh phí 1.981 triệu đồng. Sau khi học xong có trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Nhiều nghề đến nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân, thậm chí nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Cùng với đó, các cấp hội trong toàn tỉnh cũng đã phối hợp dạy nghề cho hơn 47 nghìn hội viên nông dân. Ngoài việc hỗ trợ dạy nghề, các cấp hội nông dân còn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về vốn sản xuất cho bà con. Trong đó hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân đang tiếp tục phát huy hiệu quả rõ nét. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm UBND tỉnh cấp ngân sách bổ sung cho Quỹ 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trung ương Hội còn ủy thác cho Ban điều hành Quỹ trực tiếp giải ngân cho nông dân vay 28 dự án với tổng số vốn vay 9.690 triệu đồng, tập trung vào các hoạt động chăn nuôi bò sinh sản, nuôi trồng thủy sản, trồng cây thuốc nam… Hiện tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh là trên 16.000 triệu đồng cho hơn 2 nghìn lượt hộ nông dân vay vốn. Được thành lập từ năm 1996, đến nay Quỹ đã được kiện toàn có ban chỉ đạo, ban điều hành và ban kiểm soát. Hệ thống này góp phần đảm bảo cho nguồn vốn được quản lý, cho vay đúng quy định. Trước khi giải ngân, các cấp Hội tổ chức khảo sát nhu cầu, thẩm định đúng quy trình, hướng dẫn lập hồ sơ quản lý chặt chẽ. Sau khi giải ngân, tổ chức tập huấn, dạy nghề, chuyển giao KHKT cho các hộ vay và tư vấn, hướng dẫn các hộ vay thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để bà con liên kết giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sử dụng đồng vốn có hiệu quả, đúng mục đích.
Đặc biệt, việc tham gia giúp nông dân thoát nghèo đã trở thành dấu ấn trong 5 năm qua của các cấp Hội nông dân với việc tham gia tổ chức tập huấn KHKT cho hơn 700 nghìn lượt nông dân với nhiều hình thức như hội nghị đầu bờ, cầm tay chỉ việc… Đồng thời xây dựng các mô hình, tiêu biểu như mô hình trồng khoai lang Nhật Bản tại huyện Nho Quan, mô hình trình diễn trồng cây keo úc tại xã Thạch Bình, tổ chức thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm giống lúa Nhật Bản chất lượng cao. Đồng thời vận động mỗi nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có trách nhiệm giúp đỡ từ 2-7 hộ nghèo về kinh nghiệm, giống vốn, giải quyết việc làm. Nhờ đó đã có 2.196 hộ nông dân thoát nghèo và xây dựng được 268 mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững từ những chương trình, sự hỗ trợ của các cấp Hội nông dân.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội nông dân đã hướng dẫn thành lập mới 75 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 7 hợp tác xã và 68 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Mô hình này đáp ứng và khắc phục được một số hạn chế, yếu kém của kinh tế hộ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giảm bớt rủi ro và tăng sức cạnh tranh, khắc phục một số bất cập của nền kinh tế thị trường. Bà Phạm Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua 94 dự án. Các cấp hội cũng đã chủ động hướng dẫn, tư vấn cho các nhóm hộ được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đang cùng sản xuất một ngành hàng đứng ra thành lập các tổ hợp tác… Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, giúp người nông dân có nhiều cơ hội tham gia thị trường.
Đào Duy