Năm nay là năm thứ 2, Trường THPT Ngô Thì Nhậm có học sinh được chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Tuy thành tích không đạt cao như mong đợi nhưng cũng là niềm vui, sự động viên to lớn cho cô và trò đội tuyển môn Lịch sử của Trường. Em Phạm Văn Thức, học sinh lớp 12E, Trường THPT Ngô Thì Nhậm chia sẻ: "Là thí sinh duy nhất trong khối đại trà các trường THPT trong tỉnh được chọn vào đội tuyển tham dự môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 năm 2017, em rất vui. Khi đi dự tập huấn tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, được học hỏi các bạn trong đội tuyển và được các thầy, cô giáo giỏi giảng dạy, truyền đạt nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm bài, trình bày bài thi, em đã tự tin lên rất nhiều. Kết quả đạt giải khuyến khích khiến em thấy tiếc, không hài lòng về bản thân mình". "Có lẽ kinh nghiệm cọ xát trong các cuộc thi của em chưa nhiều, cộng với một chút thiếu may mắn khiến cho kết quả thi không đạt như mong đợi…" Cô giáo Phạm Thị Loan, giáo viên dạy môn Lịch sử - người đầu tiên hướng dẫn và khuyến khích Thức vào đội tuyển Sử chia sẻ thêm: "Nói Thức làm bài thi không may mắn là có cơ sở, bởi trong các vòng thi chọn đội tuyển chính thức thi giải học sinh giỏi quốc gia, lần nào Thức cũng đạt số điểm khá cao, luôn xếp thứ nhất, nhì trong đội tuyển của tỉnh, nhiều thầy, cô giáo ôn tập, hướng dẫn cho em đã tin tưởng, kỳ vọng em sẽ đạt giải cao…". Là người đầu tiên hướng cho Thức vào đội tuyển học sinh giỏi Sử, cô giáo Loan cười vui cho biết: "Lúc đầu tôi không tin Thức có thể chuyển sang đội tuyển Sử, bởi khi ấy đã là cuối học kỳ của năm lớp 10, lúc này Thức đang học khá tốt môn Vật Lý và đang là học sinh giỏi của đội tuyển môn Lý nhà trường. Khi dạy ở lớp 10E, kiểm tra các kiến thức và câu hỏi về môn Sử, tôi bất ngờ với sự hiểu biết và niềm đam mê của Thức đối với môn học này, nên đã nói đùa, em mà chuyển sang đội tuyển môn Sử của cô, cô sẽ bồi dưỡng em đi thi và đạt giải Quốc gia. Nói vui vậy thôi, ai ngờ mấy hôm sau Thức trình bày nguyện vọng và quyết tâm được chuyển sang học đội tuyển Sử. Thế là cô và trò bắt tay vào học tập, nghiên cứu môn Sử khi đã hết năm lớp 10 với quyết tâm và nghị lực cao nhất…"
Trước đó, năm học 2013-2014, cô giáo Phạm Thị Loan cũng đã phát hiện và bồi dưỡng cho em Phạm Thị Mai tham gia kỳ thi và đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, được tuyển thẳng vào một số trường đại học có khối C, nhưng Mai đã nỗ lực học tập, ôn tập và thi đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm khá cao - 26,5 điểm (trong đó 2 môn Sử và Địa đạt 9 điểm, môn Văn đạt 8,5 điểm), trở thành thí sinh có số điểm khá cao trong khối C và được Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh tuyên dương, khen thưởng, mang lại niềm vui, vinh dự tự hào cho Trường Ngô Thì Nhậm và bản thân cô giáo Phạm Thị Loan.
Chia sẻ về "bí quyết" để có nhiều học sinh yêu thích và học giỏi môn Lịch sử, cô giáo Phạm Thị Loan cho rằng: Trước hết, muốn học sinh yêu thích Lịch sử, người giáo viên phải thực sự yêu môn học này. Bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung, môn Sử nói riêng thường mang ý nghĩa vun trồng, định hướng phát triển theo thế mạnh của các em. Trong đó, giáo viên không chỉ là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức mà còn phải giúp các em ổn định tâm lý và yên tâm với sự lựa chọn của mình, trong đó cần hơn cả là sự tư vấn để chọn trường, chọn nghề phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện của từng em. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, luôn lấy bài học "thất bại là mẹ thành công" để các em học sinh không lùi bước và không bằng lòng với thực tại, từ đó có chút "tham vọng" chính đáng là: Tôi sẽ cố gắng để dạy giỏi hơn và sẽ đạt được những thành tích cao hơn.
"Nghề giáo là một nghề cao quý, nhưng thành công của nghề chỉ xuất phát từ lòng yêu nghề, quan tâm đến học sinh. Với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, người giáo viên còn phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, bỏ qua những lo toan của đời sống thường nhật để có thể chuyên tâm dạy dỗ các em. Học sinh giỏi của tôi đa phần là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên các em rất quyết tâm học tập. Lúc đó, cùng với việc truyền đạt kiến thức, giáo viên phải biết động viên, khích lệ và truyền cho các em sự say mê học tập cũng như sẻ chia, giúp đỡ các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống - cô giáo Phạm Thị Loan tâm sự.
Theo thầy giáo Nguyễn Thành Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm, cô giáo Phạm Thị Loan là người rất tâm huyết, yêu nghề và dành nhiều công sức, tình yêu cho môn dạy Lịch sử. Nhiều năm nay, đội tuyển học sinh giỏi môn Sử do cô phụ trách liên tục dẫn đầu về thành tích và số giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh cũng như Quốc gia. Những năm học gần đây, đội tuyển học sinh giỏi môn Sử đã đạt hàng chục giải học sinh giỏi tỉnh, trong đó có nhiều giải nhất, nhì. Riêng năm học 2016-2017, đội tuyển môn Lịch sử có 5 học sinh đi thi thì cả 5 em đều có giải, trong đó có đến 4 em đạt giải nhất, nhì, 1 học sinh được chọn thi quốc gia và đạt giải khuyến khích. Nhà trường cũng tạo điều kiện về mọi mặt để đội tuyển môn Sử ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi Quốc gia. Thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhằm đẩy mạnh phong trào học tập trong nhà trường, phấn đấu giữ vững thành tích giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Mỹ Hạnh