Tích cực tăng đàn Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho người chăn nuôi. Hệ lụy của dịch đã làm cho nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt, giá thịt lợn hơi tăng cao. Để kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, các địa phương trong cả nước, trong đó có Ninh Bình đã đẩy mạnh tái đàn lợn đối với các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại có đủ điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ để giúp nông dân, chủ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, đối với Ninh Bình, UBND tỉnh đã có Quyết định 972/QĐ-UBND ngày 12/8/2019 "về việc phê duyệt mức hỗ trợ khôi phục sản xuất cho cơ sở chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi" nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học giúp người chăn nuôi từng bước chuyển đổi, xây dựng mô hình mới, tái sản xuất, ổn định kinh tế.
Tỉnh đã hỗ trợ 350.000 con gà giống J-Dabaco 1 ngày tuổi cho trên 5.700 hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau dịch tả lợn châu Phi. Sở Nông nghiệp & PTNT đã phân công cán bộ kỹ thuật chuyên môn sâu trong lĩnh vực chăn nuôi thú y phối hợp với các địa phương kiểm tra chất lượng con giống, cấp phát gà giống cho người dân đảm bảo kịp tiến độ và chất lượng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cho các hộ nuôi đảm bảo gà giống được chăm sóc tốt và tỷ lệ nuôi sống cao.
Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, đa số các trại nuôi lợn nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tiếp tục chuyển sang chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà, vịt, ngan. Ông Nguyễn Văn Lương, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư chia sẻ: "Đầu tháng 11 năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ 50 con gà giống khỏe mạnh, cán bộ thú y xã đã hướng dẫn chi tiết quy trình nuôi và nhiệt tình hướng dẫn phòng, chống dịch. Sau hơn 3 tháng, gia đình tôi đã nuôi thành công và có lứa gà đầu tiên xuất bán. Vừa qua, gia đình tôi và nhiều hộ dân trên địa bàn đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà để phát triển kinh tế".
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp &PTNT, do điều kiện thời tiết thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân tiếp tục mở rộng quy mô tái đàn để bổ sung nguồn thực phẩm nên tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm hiện ước đạt 4.888,6 nghìn con, tăng 3,9%, trong đó đàn gà ước đạt 3.298,8 nghìn con, tăng 4,7%.
Giá gia cầm giảm
Trái với sự kỳ vọng của các ngành chức năng, nguồn cung gia cầm tăng sẽ góp phần kéo giảm giá thịt lợn thì thực tế giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng cao, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm có xu hướng giảm vì nuôi số lượng lớn, khó bán và bị ép giá.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, xã Gia Thịnh (Gia Viễn) đang duy trì nuôi 250 vịt đẻ, mỗi ngày thu về hơn 100 quả trứng. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, toàn bộ số trứng trên được thương lái đến tận nơi thu mua với giá có lãi.
Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay trên thị trường giá gia cầm và trứng đang giảm do các nhà hàng, quán xá vắng khách, nhu cầu tiêu dùng ít hơn rất nhiều so với ngày thường. Hiện giá trứng vịt xuất bán chưa đến 2 nghìn đồng/quả. Thậm chí có những ngày không có thương lái đến thu mua, chị phải mang trứng ra chợ bán lẻ.
Cũng như chị Hoan, gia đình bác Trần Văn Lâm, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô nuôi 250 gà thịt giống lai chọi nhưng bị thương lái ép giá thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2019 từ 10-15 nghìn đồng/kg. Bác Lâm chia sẻ: Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nuôi lợn thì bị dịch tả lợn châu Phi làm mất trắng hàng chục con lợn đang đến kỳ xuất bán, chuyển sang nuôi gà thì giá thấp và bị ép giá.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá nguyên nhân giá sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm là do nguồn cung gia cầm tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, quán ăn, trường học... đóng cửa, trong khi đây là kênh tiêu thụ chính của sản phẩm gia cầm đã khiến tổng cầu bị sụt giảm.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do thói quen ẩm thực, tỷ trọng sử dụng thịt lợn để nấu ăn tại nhà của người Việt Nam rất cao (trên 60%), tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm và thịt bò còn thấp khiến việc tiêu thụ thịt, trứng gia cầm trong thời gian qua vẫn không tăng nhiều như kỳ vọng của các nhà quản lý.
Nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, buôn bán trở lại bình thường và người tiêu dùng sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn thì người nuôi gia cầm không phải lo thua lỗ, còn giá thịt lợn sẽ tự giảm.
Để kéo giảm giá thịt lợn xuống theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cân đối nguồn cung gia cầm hiện nay, cùng với giải pháp về thị trường và đẩy mạnh tái đàn lợn, ngay từ bây giờ người dân cần nhận thức và thay đổi cách sử dụng nguồn dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hàng ngày.
Các ngành chức năng trong tỉnh cần tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng sử dụng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt lợn về mức hợp lý theo xu hướng chung của thế giới mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hồng Giang