Từ xưa, người thầy đã rất được coi trọng. Giữa thầy - trò luôn có khoảng cách tạo ra do nghi lễ. Giờ đây ngoài giờ lên lớp, thầy và trò có thể trò chuyện với nhau như những người bạn. Trên lớp, không chỉ thầy nói mà trò cũng được phát biểu ý kiến của mình. Phương pháp dạy học hiện đại khuyến khích quan hệ tương tác giữa thầy và trò khiến quan hệ thầy - trò bình đẳng, thoải mái hơn nhưng trò vẫn phải giữ nghiêm lễ nghĩa với thầy, thầy là chuẩn mực về đạo đức, làm gương để trò noi theo.
Nói đến chữ "lễ", thạc sỹ Lê Văn Thơ (giảng viên Trường Đại học Hoa Lư) tâm sự: "Hồi còn nhỏ học lớp vỡ lòng, tôi vẫn nhớ như in bài học thuộc lòng: Gặp thầy, cô giáo phải chào/Thầy của mình, thầy của bạn quý đều như nhau. Tình thầy- trò ngày đó trong sáng, chữ "lễ" với thầy cũng được quan tâm hơn trong ứng xử ở lớp cũng như ở ngoài trường. Bây giờ, sinh viên đã tự lập, có sinh viên phải đi làm thêm kiếm sống; có em bỏ tiết, bỏ giờ để phản ứng với cách quản lý "chặt chẽ" của thầy, cô". Thầy Lê Văn Thơ cũng chỉ ra một hiện tượng khác là một số học trò nay chỉ năng đến nhà thầy, cô trước khi thi, còn thi xong các môn học hoặc ra trường thì "bặt vô âm tín", thậm chí gặp thầy, cô chẳng buồn chào. Nếu sau khi tốt nghiệp ra trường mà năng đến thăm thầy, cô, vẫn giữ quan hệ lâu dài mới thật sự đáng quý. Số có tình cảm bền chặt, vô tư ấy giờ không nhiều. Mỗi thầy, cô chỉ cần có một vài học trò nhớ đến đã là món quà quý của đời làm nghề giáo.
Ngày 20-11 hằng năm là ngày các thế hệ nhà giáo được tôn vinh. Thế nhưng qua tâm sự của một số thầy, cô với học sinh, sinh viên, chúng tôi cảm thấy ý nghĩa cao cả của ngày này đang có sự thay đổi. Nếu như một ngày người thầy bỗng nhận ra học trò của mình đến thăm không chỉ vì quý mến mà còn vì lẽ khác, thực dụng hơn, càng làm cho người thầy có lương tâm thấy xót xa cho một nền giáo dục, khi mà nền kinh tế thị trường đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống.
Thầy, cô không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò. Học trò nhìn thầy cô như một tấm gương về đức - trí - thể - mỹ. Nhân cách của thầy in dấu ấn vào tâm hồn học trò nhiều nhất, lâu nhất, thậm chí đến suốt cả cuộc đời. Đó cũng là cái gốc để mối quan hệ thầy - trò vô tư, không vụ lợi, không vì nhu cầu vật chất, danh vọng tầm thường nào. Thiết nghĩ, mối quan hệ thầy - trò lý tưởng cũng tựa như một bài giảng hay, trí tuệ. Người thầy cần thấy được nghề nghiệp cao quý của mình từ cả phía học trò và hiệu quả của nền giáo dục xã hội; người học, nếu học cốt chỉ để đối phó trong các kỳ thi thì cái cuối cùng để lại trong họ e chưa chắc đã còn là kiến thức đích thực.
Bất cứ quan hệ nào cũng cần sự chăm chút, vun đắp. Quan hệ thầy - trò không ngoại lệ. Học trò phải ứng xử làm sao để thầy, cô cảm nhận được dù thân thiết, gần gũi đến mấy cũng có sự kính trọng. Quan trọng hơn, thái độ học tập là thước đo cao nhất sự quan tâm của người học với người dạy. Những cử chỉ như lời chào thầy, cô, chú ý nghe giảng, tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng bài… cũng khiến người thầy hạnh phúc, hứng thú giảng dạy và thầy, cô cảm thấy yêu nghề, yêu trò hơn. Về phía thầy hãy lắng nghe ý kiến học trò nhiều hơn, tạo điều kiện để các em nói lên suy nghĩ của mình qua các bài giảng. Thầy, cô có thể trở thành những "người bạn lớn" của học trò, để mối quan hệ thầy - trò không dừng lại ở trong trường mà mở rộng cả trong cuộc sống.
Nguyễn Khánh