"… Cha nằm đây giữa đồng đội vây quanh/ Bốn mốt năm mẹ sống đời quả phụ/ Yêu thương kia đong bao giờ cho đủ/ Bữa cơm gia đình luôn thừa bát trên mâm…"- là những câu thơ chứa chan tình cảm của cô con gái đầu lòng viết về mối tình của cha- mẹ, viết về người cha mà cô không biết mặt, viết về sự hy sinh thầm lặng của mẹ mình… được bà Tống Thị Bấc nâng niu, giữ gìn như một kỷ niệm thiêng liêng. Cứ đến Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, bà Bấc lại mang bài thơ con gái viết tặng ấy ra để đọc, để nhìn lại chặng đường mà bà đã đi qua. 41 năm qua, bà Bấc nuôi con một mình. Giờ, hai người con của bà đã trưởng thành, bà đã lên chức bà nội, bà ngoại, chừng ấy thôi đã đủ để sưởi ấm trái tim của bà - một nữ cựu binh của Trường Sơn huyền thoại, vợ của liệt sỹ Phạm Đức Viễn.
Cầm xấp ảnh của gia đình, bà Bấc tự hào giới thiệu cho chúng tôi về những người con của bà. "Hai đứa con của tôi, một trai, một gái đều có khuôn mặt giống cha. Đây là con gái tôi, giờ đã là giáo viên dạy văn của một trường THCS. Còn chàng trai chững chạc trong bộ quân phục của một chiến sỹ công an này là con trai út của chúng tôi. Năm 1979, khi con trai út còn chưa rõ hình hài, tôi đã bế con gái lớn chưa tròn 2 tuổi tiễn chồng đi vào cuộc chiến ở biên giới phía Bắc.
Đó là một buổi chiều mưa, anh đã hứa với mẹ con tôi rằng nhất định anh sẽ trở về. Là người may mắn được trở về từ cuộc chiến, tôi hiểu hơn ai hết sự mỏng manh của lằn ranh sinh tử khi bước vào chiến trường. Tiễn anh lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, tôi ôm một nỗi lo lắng mơ hồ. Và rồi, nỗi lo ấy đã thành hiện thực, lời hứa trở về của anh đã không thể thực hiện, tôi nhận được tin anh hy sinh không lâu sau đó. Đó là một mất mát quá lớn đối với cuộc đời của ba mẹ con tôi. Nhưng tôi không thể gục ngã. Bên tôi còn có cha mẹ của anh, còn có hai đứa con nhỏ. Cũng là một người lính, tôi hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh không là cái chết, mà đó còn là sự chia lìa đôi lứa. Tôi chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn người thiếu phụ phải gánh chịu nỗi đau này. Tôi cần mạnh mẽ để thay anh chăm sóc, nuôi dạy các con"- Bà Bấc bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm bà gói gém bấy lâu nay, khiến chúng tôi nhói lòng.
Khi các con đã cứng cáp hơn, bà Bấc lặn lội đi tìm và đưa mộ chồng về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Bà muốn đưa mộ ông về gần để tiện chăm sóc, thờ cúng và cũng là để bà tiện đưa các con tới thăm cha vào những dịp đặc biệt, để cả gia đình đều cảm nhận được luôn có ông ở bên cạnh. Bà Bấc xúc động: đưa được ông ấy về gần rồi, tôi cảm thấy ông luôn ở bên động viên, khích lệ mẹ con tôi. Những khó khăn mà gia đình tôi phải trải qua thời điểm ấy là rất nhiều.
Năm 37 tuổi, Công ty tôi làm giải thể. Để có tiền cho các con ăn học, tôi xin đi bán hàng thuê, tìm việc làm thêm lúc rảnh. Hiểu nỗi vất vả của mẹ, hai con tôi rất ngoan, tự lập và học giỏi. Sau một ngày làm việc vất vả, buổi tối được ấp ôm hai đứa con nhỏ trong lòng, tôi kể cho chúng nghe về sự khốc liệt của chiến tranh, về vẻ đẹp của những khu rừng từng là trận địa mà tôi được tham gia, về những tình cảm thiêng liêng của những người đồng chí, đồng đội ở chiến trường… và tôi kể cho các con nghe về cha, về biết bao nhiêu thanh niên ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc. Tôi cũng dạy các con phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của cha, của các anh hùng liệt sỹ… Cứ như vậy, ròng rã hàng chục năm trời, tôi làm việc không một ngày nghỉ như thế cho đến khi các con tôi trưởng thành.
Bước vào tuổi lục tuần nhưng gương mặt của bà Bấc vẫn còn vương nhiều nét đẹp của một thời xuân sắc. "Khổ tận cam lai", các con của bà giờ đã trưởng thành, con trai út đã là một thượng tá công an. Hạnh phúc của bà bây giờ là hàng ngày được đưa các cháu tới trường, những lúc rảnh rỗi, bà đi gặp gỡ những đồng đội cũ để cùng sẻ chia về cuộc sống và ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa.
Đào Hằng