Ông Dương Văn Tốt, thôn Thượng, xã Ninh Vân (Hoa Lư) vốn sinh ra là một đứa trẻ bình thường. Khi bắt đầu bước vào cái tuổi đầy mộng mơ, hoài bão thì Dương Văn Tốt đau đớn phát bệnh viêm đa khớp. Gia đình nghèo khó, song bố mẹ ông vẫn quyết đưa con đi chữa bệnh. Hết Tây y, lại chuyển sang Đông y, ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi, gia đình ông đều đưa con đến chữa. Tài sản trong nhà cứ thế đội nón ra đi, nhưng bệnh tình của ông không hề thuyên giảm. Gần 1 năm sau ngày phát bệnh, đôi chân ông co quắp, teo nhỏ, ông không thể đi lại như người bình thường và trở thành người tàn tật từ đó. Ông Tốt nhớ lại: đang là một thanh niên khỏe mạnh, bỗng chốc trở thành người tàn tật, tôi dường như đã không thể chịu đựng được điều khủng khiếp đó. Mọi sinh hoạt phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, tôi không biết mình sẽ phải đối diện với cuộc sống như thế nào. Mặc cảm mình là người thừa, người bỏ đi khiến tôi chẳng muốn tiếp xúc với ai. Nhiều đêm, mẹ tôi vừa xoa bóp chân cho tôi, vừa khóc rấm rứt. Tôi chợt hiểu rằng, tôi đau một, cha mẹ tôi đau đớn mười phần. Tôi gắng gượng vui và dần lấy lại lạc quan trong cuộc sống.
Không thể sống phụ thuộc mãi vào gia đình, nhất là khi bố mẹ tuổi ngày càng cao, ông Tốt xác định phải học và có một nghề trong tay. Nhận thấy thị trường may mặc thời ấy khá phát triển, lại vốn là người khéo tay, ông Tốt xin gia đình một khoản tiền để mua một chiếc máy khâu. Không thể đi học, ông nhờ người thân tìm mua quyển sách dạy cắt may về rồi tự mày mò các công thức để học. Miệt mài vừa học, vừa làm, chỉ nửa năm sau đó ông Tốt đã có thể nhận hàng về may.
Cảm nghị lực của chàng thanh niên tàn tật, nhiều người hàng xóm đã đến nhờ ông sửa lại quần áo cũ. Dần dần, tay nghề ông được nâng cao, ông lại làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, chau chuốt từng đường kim, mũi chỉ nên khách đến với ông ngày một nhiều. Không chỉ nhờ ông sửa quần áo, có khách còn tin tưởng vào tay nghề của ông mà đặt vải để ông may trang phục mới. Nguồn thu nhập từ nghề may không những đủ để ông trang trải cuộc sống cá nhân mà còn có thể phụ giúp gia đình. Ông Tốt càng thêm tự tin để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Như duyên trời định, một lần ông Tốt nhận may đồ cho một cô gái cùng thôn. Cô gái chân phác ấy đã khiến chàng trai tật nguyền phải "thầm thương, trộm nhớ". Vượt qua mọi khó khăn, rào cản, hai người đến với nhau và cùng xây đắp một gia đình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ nhân lên khi 2 cậu con trai kháu khỉnh lần lượt chào đời. Hạnh phúc nhân lên, khó khăn cũng tăng gấp bội, nhất là khi các con ông bắt đầu đến trường.
Gia đình ông chỉ có 5 sào ruộng khoán, năm nào năng suất kém thì đến ăn còn chẳng đủ, nói gì tới cho con cái ăn học. Trong khi đó, thì lượng khách tới may đồ giảm nhiều vì đồ may sẵn trên thị trường vừa rẻ lại đẹp. Vợ ông lúc nông nhàn phải tranh thủ xin đi phụ hồ, kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình. Thương người vợ tảo tần, ngoài thời gian may đồ, ông Tốt còn tranh thủ giúp vợ làm mọi việc vặt trong nhà.
Quyết không để con cái phải nghỉ học giữa chừng vì nhà nghèo, ông Tốt bàn với vợ, mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để đầu tư cho chăn nuôi. Ông nhờ người tìm mua cho cặp lợn nái. Ông lại nghiên cứu cách nuôi, chăm sóc lợn nái qua sách báo và kinh nghiệm của bà con. Ngoảnh đi ngoảnh lại, hai lứa lợn đầu tiên bán ra, vợ chồng ông đã trả nợ được một phần vốn ngân hàng. Lứa nọ nối lứa kia, ai cũng khen vợ chồng ông mát tay. Chẳng mấy chốc, ông bà đã trả hết nợ gốc ngân hàng, ngoài ra còn tích lũy được một số vốn nho nhỏ.
Được tạo đà, ông bà Tốt như có thêm niềm tin và sức mạnh, cả gia đình ông thống nhất phải mở rộng chăn nuôi. Với số vốn tiết kiệm được, ông Tốt mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để mua một cặp bò sinh sản. Hai cậu con trai hiếu thảo, thương cha mẹ vất vả nên ngoài thời gian học thì giúp bố mẹ chăn thả bò. Mỗi năm, mỗi con bò sinh được 1 con bê, bán đi cũng được 17 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi rõ rệt. Năm 2005, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng khang trang, sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Đặc biệt, các con ông có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn.
Hiện nay, cậu con trai cả của gia đình ông đã là một thợ đá mỹ nghệ có tay nghề. Mỗi năm, em thu nhập từ nghề đá trên 40 triệu đồng. Em phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế và nuôi em trai đang học lớp 9. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Tốt còn động viên vợ hăng hái tham gia vào các hoạt động do Hội phụ nữ thôn phát động. Gia đình ông Tốt còn là tấm gương tiêu biểu của thôn trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan. Từ bao năm nay, trong ngôi nhà nhỏ của người đàn ông khuyết tật ấy luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc.
Bài, ảnh: Đào Hằng