Gương mặt sáng sủa, nói năng lưu loát, tự tin, nhưng nét mặt và ánh mắt vẫn phảng phất nỗi buồn là những gì người tiếp xúc cảm nhận được về Hải. Mới 7 tuổi đầu nhưng em đã phải chịu nhiều những đau đớn, thiệt thòi do cơ thể khiếm khuyết. Mẹ em, chị Hoàng Thị Đội, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) ngậm ngùi chia sẻ: Hải sinh ra được 8 tháng tuổi thì phát hiện phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác, đặc biệt là chân em không hoạt động được. Sau khi đi khám, được các bác sĩ chẩn đoán bệnh bại não, chân tay thể co cứng, khớp háng lệch một nửa... Dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng thương con, bố mẹ Hải - là những người dân tộc thiểu số người Mường, đã đưa em đi nhiều nơi điều trị, chữa bệnh phục hồi chức năng, nhưng bệnh tình không tiến triển nhiều, trong khi muốn mổ khớp háng thì phải chờ đủ tuổi và phải có tiền.... Điều vui mừng duy nhất đối với gia đình là não của Hải không bị ảnh hưởng, vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn nhanh nhạy và thông minh... Nên đến tuổi đến trường, Hải được đi học như bao bạn bè cùng lứa khác.
Gần 2 năm nay, một ngày tới trường của Hải hoàn toàn nhờ vào công sức của người mẹ. Hàng ngày, dù nắng hay mưa, dù thời tiết nóng bức hay rét đậm, mẹ em đều đưa em đến trường cách nhà 5km bằng chiếc xe máy cà tàng, cũ rích, còn em, thân hình nhỏ bé chưa đến chục kg ôm mẹ lắt léo, cheo veo ở phía sau. Khi đến cổng trường, mẹ em dừng xe rồi cõng hoặc bế em vào lớp, đặt vào chỗ ngồi cố định rồi ra về. Đến trưa, vào khoảng 10h30, khi tan học lại đến đón em về, rồi buổi chiều lại tiếp tục như vậy. Khi ở lớp, mọi việc từ học tập cho đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, Hải nhờ vào sự trợ giúp của cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp. Các hoạt động thường ngày ở lớp của Hải, đơn cử như lên bảng trả lời câu hỏi, di chuyển chỗ ngồi theo từng môn học, lấy nước uống, giờ học thể dục, tiết nghỉ ra chơi ngoài sân trường.., đều được cô giáo và các bạn trong lớp thay nhau trợ giúp; đối với những việc "nặng nhọc" hơn, như đi vệ sinh, chuyển lớp học môn tiếng Anh, phải nhờ cô giáo chủ nhiệm bế, cõng đi...
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C của Hải chia sẻ: Biết được hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng của Hải, cô giáo chủ nhiệm và các bạn đều hết sức thông cảm, yêu thương và tận tình giúp đỡ em trong phạm vi có thể. Những lúc rảnh rỗi của giờ ra chơi, cô và các bạn còn thay nhau dìu em tập đi, với mong muốn đôi chân của em có thể vững chãi hơn, nhanh chóng nâng đỡ được cơ thể nhỏ bé ấy, để em bớt đau đớn, có thể đi lại nhẹ nhàng, làm được những việc chăm sóc tối thiểu cho mình... "Điều ghi nhận rõ nhất ở Hải là dù mang trong mình căn bệnh quái ác, nhưng em đầy nghị lực, có ý thức chuyên cần và tinh thần ham học. Em hầu như không nghỉ học buổi nào, chỉ những đợt phải nghỉ học dài ngày đi điều trị bệnh, nhưng khi về, em luôn cố gắng mượn sách vở của bạn để học bù, chủ động hỏi cô giáo những bài chưa hiểu... Trong các giờ học trên lớp, Hải luôn hăng hái phát biểu xây dựng bài và tự giác hoàn thành bài tập các môn học được giao. Đặc biệt, do tính cách chăm chỉ, cần mẫn, yêu thích các môn học, Hải thường xuyên được lựa chọn để tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ, như Trạng nguyên Tiếng Việt, giải Toán, Tiếng Việt trên mạng Internet..."- cô giáo Hạnh Nguyên cho biết thêm.
Ngoài những giờ lên lớp, trở về với ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ của mình, cậu học trò nhỏ bé, tật nguyền Quách Hoàng Hải lại nén đau đớn, cố gắng tập đi từng bước khó nhọc trên chiếc xe tự chế, với mong ước một ngày nào đó, em có thể tự đến trường và thực hiện được ước mơ của mình "... trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người có bệnh và hoàn cảnh giống như em...". Ngoài thời gian tập đi, Hải luôn ý thức trong việc tự học ở nhà, với mong muốn đạt kết quả cao nhất trong học tập, không phụ công cha mẹ, thầy cô và bạn bè đã quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ em. Phần thưởng 2 năm học lớp 1, học kỳ I năm lớp 2 là những tấm Giấy khen, Giấy chứng nhận được treo đầy nhà, như: Giấy khen có thành tích vượt trội về môn Toán, môn Tiếng Việt; Giấy Chứng nhận. Đặc biệt, em còn vượt qua nhiều bạn khác của các trường trong tỉnh, tham dự các Kỳ thi cấp tỉnh, thành phố và đạt giải Ba Trạng nguyên Tiếng Việt..., mang lại niềm vui cho mình và niềm tự hào cho gia đình, thầy cô giáo. Có thể đối với nhiều người, những thành tích đó chưa đáng kể, nhưng đối với một cậu học trò nhỏ bé, yếu ớt, nhà nghèo, bị tàn tật không đi lại được thì đó là sự cố gắng không đơn giản và những phần thưởng trở thành động lực lớn lao để em vững tin bước tiếp trên con đường hướng tới tương lai.
Con đường tương lai phía trước của Quách Hoàng Hải còn rất nhiều khó khăn, thử thách, việc học hành chắc chắn còn nhiều gian truân, vất vả. Niềm mong mỏi của cậu bé khuyết tật nhà nghèo và gia đình em là nhận được sự trợ giúp về vật chất và tinh thần của cộng đồng, để em có điều kiện chữa bệnh, thêm động lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, học tập, thực hiện được ước mơ trở thành bác sỹ trong tương lai.
Mỹ Hạnh