Đã nhiều lần về với ngã ba Đồng Lộc để tri ân những người đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", để nhớ lại một thời hoa lửa đầy hào hùng bi tráng nhưng lần nào trong tôi cũng rưng rưng những cảm xúc khi đi trên mảnh đất thiêng này. Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - nơi một thời là cung đường chi viện cho chiến trường miền Nam, từng phải oằn mình hứng chịu những đợt dội bom khốc liệt của kẻ thù. Hình ảnh các hố bom sâu hoắm ngày nào, nay chỉ còn là ký ức của những người ở lại. Ngã ba Đồng Lộc ngày bình là một khu di tích khang trang, đẹp đẽ.
Bước chân trên con đường bê tông đẹp đẽ, dưới những hàng cây xanh ngắt của Quốc lộ 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc - con đường độc đạo duy nhất chi viện cho chiến trường miền Nam, không ai có thể nghĩ mảnh đất này từng hứng chịu hàng vạn bom rơi với âm mưu của đế quốc Mỹ là biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá, không một bóng người, không một chuyến xe qua. Với sức tàn phá tàn khốc của bom đạn tưởng chừng như không một bóng cây, một ngọn cỏ nào có thể sống sót được thì có những chàng trai, cô gái độ tuổi 18 đôi mươi đã "gánh bồng" cả lịch sử, sống và chiến đấu với một niềm tin tưởng mãnh liệt về một ngày đất nước độc lập, tự do. Qua xem những thước phim tài liệu, nhìn những kỷ vật của 10 cô gái đã đi vào huyền thoại được lưu giữ tại Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, câu chuyện chiến tranh hào hùng, bi tráng như hiện về rõ từng khoảnh khắc. Đến với từng hiện vật chiến tranh, những kỷ vật nhỏ nhoi còn lại trong quãng đời ngắn ngủi của các chị, ai cũng rưng rưng, nghẹn ngào không nói nên lời. Anh thuyết minh cho đoàn chúng tôi cho biết hiện tại có hơn 20 hiện vật được lưu giữ nơi đây, có những hiện vật tìm thấy sau khi các chị hy sinh, có những hiện vật được gia đình bàn giao lại, đều gắn bó với cuộc đời của 10 cô gái thanh niên xung phong năm xưa.
Trong những hiện vật đó, bức thư của đội trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ và các em trước ngày hy sinh đã trở thành "tuyên ngôn" của thế hệ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, một trong 10 cô gái đã hy sinh tại Đồng Lộc, nhà ở xã Thiên Lộc (Huyện Đồng Lộc), chỉ cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 15 km nhưng ít khi có thời gian về thăm nhà. Ngày 19/7/1968, trước khi hy sinh 5 ngày, chị Tần viết thư về cho mẹ: "... Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Chẳng ai ngờ được rằng đó là bức thư cuối cùng mà chị gửi về cho gia đình. Kỷ vật được đồng đội tìm thấy trong ngày các chị hy sinh là xong cá còn nấu dở chờ các chị về ăn. Còn rất nhiều những kỷ vật khác như chiếc lược, đôi dép và những minh chứng cho tình yêu trong chiến tranh đầy lãng mạn nhưng cũng rất bi tráng của các chị đã góp phần cho chúng tôi một cái nhìn toàn cảnh về "địa chỉ đỏ" này-Nơi mà giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh thì tình yêu Tổ quốc, niềm tin vào ngày chiến thắng đã chiến thắng tất cả những thứ vũ khí tối tân nhất, những sự tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh. Các chị đã nằm xuống nhưng huyền thoại Đồng Lộc vẫn còn sống mãi.
Anh hướng dẫn cho đoàn chúng tôi tâm sự: Hàng năm có rất nhiều đoàn đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đặc biệt là dịp 30/4 nhưng người Ninh Bình đến đây rất nhiều, có những người năm nào cũng đến, có những người một năm đến vài lần, đặc biệt là các cựu chiến binh, các nữ thanh niên xung phong. Anh cho biết một người luôn nặng lòng với "huyền thoại Đồng Lộc" mà anh có dịp nói chuyện nhiều là Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Ninh Bình- Anh Lê Đức Toàn. Cứ vào dịp 30/4 và 27/7 hàng năm, cựu chiến binh Lê Đức Toàn lại vào với "tọa độ chết", nghẹn ngào thắp nén hương trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, trước sự hy sinh quả cảm của 10 cô gái nơi Ngã ba Đồng Lộc. Và anh cũng là một trong những người con Ninh Bình có nhiều đóng góp trong việc trùng tu, bảo trì Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc như một cách để tỏ lòng tri ân với những người đã sống, chiến đấu hết mình vì Tổ quốc để có một vùng trời bình yên như hôm nay. Anh Toàn cho biết: "Mỗi lần đến mảnh đất này là trong tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc. Tự hào vì đất nước mình có những chàng trai cô gái như thế, không tiếc tuổi thanh xuân xông pha ra mặt trận, tiếng hát át tiếng bom. Xúc động xen lẫn xót xa vì các chị ra đi quá sớm, khi tuổi đời còn quá trẻ với nhiều ước mơ, dự định, tình yêu dang dở. Dịp 30/4 năm nào tôi cũng về đây để tri ân những anh hùng liệt sỹ, hồi tưởng lại quãng thời gian chiến đấu của mình rồi báo công với các anh, các chị là thế hệ hôm nay đã viết tiếp những trang sử hào hùng đó và luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những người đã viết nên huyền thoại, lấy đó là động lực sống, lao động, học tập, cống hiến hết mình để xứng với sự hy sinh của các anh, các chị.
Với tôi, mỗi lần về với Đồng Lộc là mỗi lần rưng rưng xúc động, nghẹn ngào không nói nên lời trong không gian linh thiêng và đầy thành kính. Nhưng cũng là một lần nhìn lại chính mình, để sống có lý tưởng, sống để cống hiến. "Tọa độ chết" nhưng có những "đóa hoa bất tử", vì thế nó mãi là "địa chỉ đỏ" trong thời bình để truyền cảm hứng, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một thời hoa lửa hào hùng của đất nước.
Quỳnh Thu