Bà Vũ Thị Diệu, Giám đốc HTX thêu ren Hà Thanh cho biết: Nghề thêu tay được đưa vào địa phương khoảng hơn 50 năm trước. Tuy nhiên, vào những năm 2000, nghề thêu tay ở đây từng có nguy cơ mai một vì sản phẩm thêu tay bị các sản phẩm thêu máy cạnh tranh. Đứng trước thực trạng đó, năm 2008 với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của làng, bà Vũ Thị Diệu đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thêu ren Hà Thanh. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, HTX đã thu hút trên 100 xã viên tham gia hoạt động thường xuyên, thậm chí vào những lúc cao điểm số lao động thời vụ có khi lên đến 400 người. Từ ngày HTX thêu ren Hà Thanh được thành lập, những người nông dân nơi đây đã có thêm nghề phụ, tăng thu nhập cho gia đình.
Cô Nguyễn Thị Cậy, thành viên của HTX thêu ren Hà Thanh chia sẻ: Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm ruộng nên đời sống còn khó khăn. Nhờ có HTX thêu ren Hà Thanh dạy nghề và tạo việc làm nên tôi và cô con gái đã có thêm nghề phụ (thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng), cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn phần nào. Tôi mong muốn, HTX không ngừng phát triển để tôi cũng như nhiều người dân trong, ngoài xã có việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định.
Theo bà Vũ Thị Diệu, nghệ thuật thêu tay ở địa phương là nghệ thuật độc đáo. Để làm ra các sản phẩm thêu tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường thì người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn nhất định. Bởi nghề thêu tay không thể vội vàng, càng không thể làm đại khái, qua loa cho xong, mỗi một công đoạn thêu đều cần sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Người thêu phải kéo sao cho vải không quá căng, không quá trùng. Để đảm bảo độ căng vừa phải, khi lên khung, vải thêu căng và ngay ngắn, những hình in trên vải thêu không bị biến dạng. Người làm nghề, yêu cầu xỏ kim phải đúng, đâm mũi kim sao cho nhỏ chân, kéo chỉ vừa độ căng.
Các đường chỉ đan vào nhau phải mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa phải đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng "lẩn" bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu. Hơn nữa, nghề thêu tay cần sự chăm chỉ bởi người thợ thêu phải ngồi hàng giờ bên khung thêu mới hoàn thiện được một sản phẩm.
Trong mỗi sản phẩm thêu tay, không chỉ là mồ hôi, công sức của người thợ thêu mà còn là sự tâm huyết, niềm đam mê. Có lẽ chính điều này là một trong yếu tố căn bản làm cho sản phẩm thêu tay trụ vững trước sản phẩm thêu máy.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX thêu ren Hà Thanh không chỉ chú trọng về chất lượng mà còn thường xuyên tìm tòi và sáng tạo các mẫu mã mới như các hình ảnh về phong cảnh Ninh Bình, phong cảnh quê hương làng quê.
Nhiều sản phẩm thêu tay của Hà Thanh được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như: tranh thêu chấm đá, tranh thêu đính cườm, tranh thêu phong cảnh và các sản phẩm thêu trên chăn, ga, gối. Đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại, sản phẩm thêu của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà đã có nhiều khách từ các địa phương khác như Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng... đến đặt hàng bao tiêu sản phẩm.
Cùng với đó, HTX luôn hoạt động với phương châm "uy tín, chất lượng", do vậy nhiều khi để hoàn thành đơn đặt hàng cho khách hàng, những người thợ nơi đây đã không quản thức khuya, dậy sớm để vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Năm 2016, doanh thu của HTX đạt trên 6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, HTX đã nhận gần chục đơn hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu tốt lành cho sự phát triển bền vững và đi lên của HTX trong thời gian tới.
Một điều đáng quý, đó là không chỉ chú trọng việc đẩy mạnh sản xuất mà các thành viên trong HTX thêu ren Hà Thanh còn thường xuyên quan tâm dạy nghề, truyền nghề cho những ai có nhu cầu. Trung bình mỗi năm, HTX dạy nghề miễn phí cho 70 - 80 lao động trong và ngoài xã.
Bà Vũ Thị Diệu cho biết thêm: Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, HTX thêu ren Hà Thanh đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để có một khuôn viên rộng rãi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, nhận lao động và bao tiêu sản phẩm cho con em trong và ngoài địa phương.
Bài, ảnh: Mai Lan