"Mẹ là người hát xẩm giời đầy, tên Năm"
Có lẽ điều làm tôi nhớ nhất về cụ Cầu đó là hình ảnh của một bà lão già nua khắc khổ, cũ kỹ và có vẻ hơi "buồn cười". Với cái dáng vẻ của người nông dân Bắc bộ thuở xưa, quần áo nâu sồng, hai hàm răng đen lánh, miệng nhai trầu bỏm bẻm, ở con người bà, có cái gì đó toát lên một thần sắc đĩnh đạc, hài hước nhưng rất gần gũi, thân thiết lại hơi xa lạ.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm. Tên Cầu là gọi theo con trai cả. Bà quê ở xã Yên Phú, huyện Ý Yên, Nam Định. Còn đỏ hỏn, cô bé Năm đã được ngồi thúng bố mẹ gánh đi hát rong, lên 10 bà đã hát lấy tiền thiên hạ.
Năm 11 tuổi, ông thân sinh bà qua đời. Hai mẹ con đi hát tới Yên Mô, Ninh Bình. Bà lấy ông Mậu, trùm phường xẩm Yên Mô năm bà 16 tuổi, ông 49. Ông tuy mù, mặt lại rỗ nhưng bầu- nhị- trống phách… đều giỏi và đào hoa.
Các cụ đúc kết: Tham giàu lấy chú biện tuần/ Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan/Thà rằng lấy chú xẩm xoan/Công nợ không có hát tràn cung mây. Một năm 10 tháng, họ đi lưu diễn 3 người. Bà thứ 12 đánh trống, bà kéo nhị, ông đàn bầu.
Mỗi buổi diễn cũng được đến hai xâu tiền… Nhưng mỗi khi về Yên Mô, gia tài còn lại vẫn chỉ hai cái niêu - một rang một nấu. Ông mất, bà mới 33 tuổi và đang mang trong mình đứa con út.
Sinh con ra được ít ngày nhà không còn gì ăn bà phải rứt ruột bế đứa con trai của mình đem cho nhà khác. Trước khi trao đứa con đỏ hỏn sang tay người lạ bà chỉ kịp nói "mẹ là người hát xẩm giời đầy tên Năm". Sau này khi đã nổi tiếng, bà đổi tên thành Hà Thị Cầu để mong tìm lại được đứa con lưu lạc ngày nào.
Những câu hát xẩm buồn đến não nề mà bà hay hát như vướng chính vào con người của bà: Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo, đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa/ Vợ lìa chồng, con phải xa cha/ Bơ vơ nào biết có nhà là đâu/ Biển trời con ơi ảm đạm một màu/ Biển với trời ảm đạm một màu/ Cha con bồng bế bước mau, ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương, lạc loài đất khách khói sương quê người/ Kể ra càng cay đắng xót xa...
Cuộc đời ca hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu trải dài hơn 80 năm kể từ 8 tuổi cho tới lúc lìa xa cõi đời ở tuổi 93. Bà đã mang tiếng đàn lời ca đi khắp nơi, từ các tỉnh lân cận Ninh Bình như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đến Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, cả miền ngược Tuyên Quang và xuôi theo tàu hỏa vào Nghệ An, Sài Gòn…
Bên cạnh đàn ca, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn có tài sáng tác dù bà không hề biết chữ. Năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã cảm kích sáng tác bài Theo Đảng trọn đời với những lời ca như: "Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề".
Có thể thấy, nghệ thuật đàn nhị dân gian và ca hát dân gian qua sự thể hiện của Hà Thị Cầu đạt tới đỉnh cao, chắt lọc những tinh túy. Nghe bà đàn và hát, người ta thấy một nghệ sĩ dí dỏm yêu đời, hết sức dân dã.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã được nhiều đơn vị vinh danh, khen thưởng và được phong tặng danh hiệu NSƯT, nghệ nhân dân gian...
Cả cuộc đời gắn bó với ca hát dân gian, bà trở thành biểu tượng đẹp về tình yêu âm nhạc truyền thống, là tấm gương cho lớp trẻ noi theo.
Vẫn còn nhiều dang dở…
Trong đám tang người nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, người ta không chỉ thấy sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, mà còn nhiều những giọt nước mắt tiếc thương của các văn nghệ sỹ như Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Giáng Son…
Trong mắt họ, bà là một kho tàng sống về nghệ thuật hát xẩm mà chưa ai có thể nói "đã khai thác hết".
Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả của bộ phim "Xẩm đỏ" cho biết: Nghe tin nghệ nhân Hà Thị Cầu mất tôi thấy hụt hẫng, tiếc nuối không chỉ cho mình mà cho tất cả những người yêu xẩm. Qua thời gian 2 năm làm phim về cụ Cầu, tôi cảm nhận đây mới chính là một người nghệ sỹ chân chính với cái tâm sáng. Bà như con chim cất tiếng hát trong trẻo của mình mà không bị vướng một chút bụi trần. Cái may mắn của tôi là đã hoàn thành bộ phim dài hơn 30 phút về người nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Biết tin "bà" mất (cách xưng hô thân mật mà những học trò thế hệ 8X gọi nghệ nhân Hà Thị Cầu), nhóm học sinh Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam đã về từ sáng 4/3 và sẽ ở lại đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm CLB hát xẩm Hải Phòng vừa thở dài: Em buồn quá, trước khi bà mất em không sang với bà được.
Sáng nay 4/3, Linh mới từ Hải Phòng về. Điều duy nhất có thể làm được là em đã ngồi hát và kéo nhị theo điệu Thập ân suốt buổi sáng trước linh cữu của bà. Ai nhìn thấy cũng cảm động tưởng là cháu đích tôn của cụ Cầu.
Linh tâm sự: Em theo học bà từ năm 2006 khi đang còn là sinh viên Công nghệ thông tin. Chính bà là người đã truyền cho em "ngọn lửa" của nghệ thuật xẩm. Người hát xẩm bây giờ cũng nhiều, người yêu xẩm bây giờ cũng lắm nhưng hát được như bà thì hiện tại không có ai. Cho đến tận bây giời thì bà là một hình tượng nghệ thuật hát xẩm hoàn hảo nhất Việt Nam. Chỉ duy nhất có bà là người nghệ sỹ hát xẩm chuyên nghiệp và sống được bằng nghề.
Để nghệ thuật hát xẩm không bị thất truyền, Mai Đức Thiện (Hà Nội) lại có cách bảo tồn riêng của mình. Thiện cho biết: Hiện tại trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ phát hành 11 bài hát của bà Cầu nhưng trong kho tư liệu của em có đến 23 bài.
Làm được điều này em đã phải dày công về thu thập tư liệu, ngồi nghe bà hát, tìm hiểu từ làng xóm, con cháu của bà từ năm 2006 đến nay. Đến bây giờ em như người thân trong gia đình. Bà mất là các bác ấy gọi điện cho em ngay.
Mặc dù là người làm trong lĩnh vực kinh doanh và tuổi đời cũng chưa quá 30 nhưng sự đam mê nghệ thuật Xẩm đã khiến cho Thiện có một mối dàng buộc "kỳ lạ" với cụ Cầu. Thiện nói: Hai hôm trước em về thăm bà vì mọi người bảo bà mệt lắm rồi không nói được nữa, nhưng khi về đến nơi bà vẫn nhận ra em và nói "Thiện à!". Mặc dù biết bà ra đi là quy luật của cuộc sống nhưng khi nghe tin bà mất em vẫn thấy thật đau đớn. Mặc dù bà mất rồi nhưng em tin có những người yêu mến bà, yêu mến bộ môn nghệ thuật hát xẩm thì nghệ thuật hát xẩm sẽ sớm được nhìn nhận, đánh giá và đầu tư một cách đúng mức.
Những gì bà đã cống hiến cho nhân loại xứng đáng được gọi là "báu vật nhân văn quốc gia". Sự ra đi của bà đã để lại bao tiếc nuối và tiếc thương cho cuộc đời của một người nghệ sỹ có một số phận kỳ lạ.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - người học trò khá thân thiết và gắn bó với nghệ nhân Hà Thị Cầu từ nhiều năm nay cũng không giấu nổi niềm thương xót và tiếc nuối khi hay tin bà Cầu đã ra đi: Cái hay ở bà còn thể hiện ở những góc nhỏ của cuộc đời. Bà có cuộc sống khốn khó nhưng bao năm gắn bó với bà, chưa bao giờ tôi thấy bà kêu ca đòi hỏi, có chăng chúng tôi tìm hiểu tận nơi thì mới biết được.- Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ.
Nhưng có lẽ sự tiếc nuối trên hết đó là những dự định về bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật hát xẩm của các tổ chức, cá nhân đang cần có sự cống hiến của nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn còn đang dang dở.
NSƯT, Đạo diễn Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình cho biết: Đề án bảo tồn và phát triển các giá trị nghệ thuật hát xẩm đã đi đến giai đoạn 2, đó là đưa nghệ thuật hát xẩm vào với đời sống của nhân dân. Trong lúc này chúng ta đang rất cần có sự chỉ bảo, đóng góp của nghệ nhân Hà Thị Cầu để làm "ngọn đuốc" thắp lên những đam mê trong dân gian. Mục đích lớn nhất của tỉnh là sẽ lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát xẩm là loại hình nghệ thuật cần được bảo vệ khẩn cấp…
Nghệ sỹ Quang Thập buông tiếng thở dài: Đau quá, buồn quá, chúng ta đã lường trước việc này và đang cố gắng để lưu giữ lại tất cả những tinh hoa mà người nghệ nhân "danh bất hư truyền" này có được về nghệ thuật hát xẩm nhưng chưa kịp đạt đến những điều mong muốn thì "con tằm đã thôi kiếp nhả tơ"…
Những nghệ sỹ của Nhà hát chèo Ninh Bình hứa sẽ cố gắng hết mình để bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật hát xẩm cho muôn đời sau. Điều này chính là sự tri ân của những nghệ sỹ đang sống dành cho một nghệ nhân lớn đã về cõi vĩnh hằng.
Bảo Yến